Chính quyền Indonesia cho biết, núi lửa Ibu đã phun trào 3 lần vào ngày 6-6, bắn vào không trung cột khói bụi và đất đá cao hàng nghìn mét.
Núi lửa Ibu nằm trên đảo Halmahera. Lần phun trào đầu tiên xảy ra lúc 1h30 sáng (giờ địa phương) cùng dòng dung nham và sấm sét đánh tia lửa khắp miệng núi lửa. Lần phun trào lần 2 diễn ra lúc 7h46 và lần thứ ba lúc 8h11.
Hãng thông tấn Antara của Indonesia cho biết, đây là ngọn núi lửa phun trào mạnh thứ hai ở nước này.
Theo giải thích của các nhà khoa học, sét núi lửa và sét trong mây bão đều hình thành do sự va chạm của các hạt. Khi một cột tro nóng bốc lên từ núi lửa trong một vụ phun trào, rất nhiều hạt được nén chặt, những mảnh vật chất cọ xát vào nhau. Điều này gây ra ma sát và tích điện cho các hạt. Khi những hạt tích điện chặt chẽ này gặp bầu không khí ít loãng hơn phía trên núi lửa, những tia sét có thể xảy ra.
Indonesia vẫn duy trì tình trạng cảnh báo về núi lửa vẫn ở mức cao nhất. Mọi hoạt động trong phạm vi 7km xung quanh miệng núi lửa đều bị cấm. Người dân 7 ngôi làng gần đó đã được sơ tán kể từ ngày 16-5, song chính quyền chưa ban hành kế hoạch sơ tán mới.
Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia thông báo, hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các vụ phun trào.
Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương với 120 ngọn núi lửa đang hoạt động. Tháng trước, vụ phun trào núi lửa Ruang ở tỉnh Bắc Sulawesi đã buộc hơn 12.000 người phải sơ tán, ít nhất 60 người đã thiệt mạng do lũ quét và dòng dung nham lạnh từ núi Marapi, một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở tỉnh Tây Sumatra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.