(HNM) - Theo chỉ số sáng tạo toàn cầu năm 2012, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp Việt Nam ở vị trí 76 trong tổng số 141 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong khi đó, Indonesia xếp hạng 100, kém Việt Nam 24 bậc.
Tuy nhiên, không vì thế mà nền khoa học của nước này thua kém Việt Nam, ít nhất là về mặt cơ sở hạ tầng và khơi dậy ý thức, lòng say mê khoa học trong giới trẻ.
Học sinh
Cách trung tâm Thủ đô Jakarta khoảng 60km, khuôn viên của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) - Puspiptek (Bộ Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia) như một khu rừng thu nhỏ với ngút ngàn cây xanh của xứ nhiệt đới. Tọa lạc trên diện tích 460ha, Puspiptek được thành lập năm 1976 và tính đến nay, chỉ riêng phần cơ sở hạ tầng, Chính phủ Indonesia đã đầu tư vào đây khoảng 500 triệu USD.
Ông Wisnu Soerardoso, Giám đốc Mạng lưới kết nối cơ sở nghiên cứu (Bộ Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia) cho biết, Puspiptek là cơ sở nghiên cứu quy tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu Indonesia, công tác tại hơn 30 phòng thí nghiệm cấp quốc gia và quốc tế; nghiên cứu nhiều lĩnh vực của khoa học hiện đại. Mỗi phòng thí nghiệm là một khu vực độc lập và nằm xen giữa những khu vườn rợp bóng cây, đầy đủ tiện nghi để các nhà khoa học có được không gian tốt nhất cho việc nghiên cứu.
Ông Kristanto Santosa, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo công nghệ (BIC) - một đơn vị được lập trong khuôn viên của Puspiptek với vai trò là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, các nhà khoa học và giới thiệu những cải tiến KHCN mới - cho biết: Indonesia có 20.793 nhà khoa học được Chính phủ trả lương. BIC được thành lập năm 2008 sau quá trình nghiên cứu và thấy rằng, số sáng chế của Indonesia công bố hằng năm rất thấp và đầu tư từ doanh nghiệp cho hoạt động khoa học rất hạn chế. BIC không thuộc Chính phủ nhưng vẫn được Bộ Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia tài trợ 40% kinh phí. Số tiền còn lại sẽ do các doanh nghiệp, tư nhân đài thọ. BIC cũng tập trung mạnh cho việc tuyên truyền để xã hội hiểu được vai trò của KHCN đối với sự phát triển đất nước. "Indonesia đang chuyển mô hình phát triển sang hướng không dựa vào giá nhân công rẻ và thu hút đầu tư nước ngoài mà dựa vào sự sáng tạo nội tại để phát triển và mang lại lợi nhuận. Do đó, sự sáng tạo đang chiếm thị phần lớn trong phát triển KHCN của Indonesia và được Chính phủ khuyến khích. Năm 2013, Indonesia sẽ xây dựng thêm một trung tâm ươm tạo công nghệ mới" - ông Kristanto Santosa cho biết thêm.
Như nhiều nước khác, Chính phủ Indonesia sớm nhận thấy rằng, để đất nước có thể phát triển dựa vào KHCN thì điều quan trọng là phải xây dựng được tình yêu khoa học trong thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Do đó, Indonesia đưa Trung tâm Nghiên cứu và công nghệ (PP-Iptek) vào hoạt động từ năm 1991 với diện tích 4,3ha và phần diện tích trưng bày lên tới 23.400m2. Đây thực chất là mô hình bảo tàng khoa học như nhiều nước trên thế giới vẫn làm. Đáng lưu ý là PP-Iptek nằm trọn trong khu Làng Văn hóa các dân tộc Indonesia (Taman Mini Indonesia Indah - rộng 160ha), nằm cách trung tâm Jakarta khoảng 20km và nổi tiếng trên thế giới nên rất tiện cho khách đến tham quan.
Ông Karya Subarman (Giám đốc Tài chính và tư liệu của PP-Iptek) cho biết, đơn vị này được chính phủ lập ra để nâng cao kiến thức người dân về KHCN. Hằng năm, PP-Iptek tổ chức hàng trăm chương trình trình diễn khoa học về môi trường, năng lượng, giao thông, sức khỏe, khoa học không gian... ở khắp nơi. Khu trưng bày chính của PP-Iptek là nơi khách tham quan có thể tự thực nghiệm để giải thích về các hiện tượng tự nhiên như: làm thế nào để phát điện, động đất là gì, mưa đá ra sao... PP-Iptek còn có cả những dịch vụ giải trí, cắm trại... nên nơi đây không chỉ là một không gian khoa học khô cứng. Trung bình mỗi năm có khoảng 350.000 lượt khách tham quan PP-Iptek, trong đó 85% là học sinh. Nhờ nguồn khách dồi dào nên chỉ khoảng 45% kinh phí hoạt động của đơn vị trông chờ vào ngân sách.
So với bảo tàng khoa học của Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... quy mô của PP-Iptek chưa sánh kịp nhưng cũng là mơ ước đối với học sinh Việt Nam. "Tại đây, các em có thể tự do tìm hiểu, thực nghiệm các nghiên cứu khoa học đơn giản. Nếu có điều gì không hiểu sẽ được giải thích cặn kẽ và đây là những kiến thức bổ sung hữu ích cho bài giảng trên lớp. Đáng lưu ý, mô hình như của PP-Iptek đã được hoàn thành tại 7/33 tỉnh, thành phố của Indonesia; 2 tỉnh đang trong quá trình xây dựng và 4 tỉnh đang có dự án" - ông Karya Subarman khẳng định.
... Trên bình diện chung, nền khoa học Việt Nam - Indonesia có nhiều điểm tương đồng và vẫn xếp ở "nửa sau" của nền KHCN thế giới. Nhưng ở góc độ nào đó, nền khoa học Indonesia có nhiều điều đáng để học tập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.