Trước khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chính thức công bố đánh giá và dự báo đầu năm 2025 về tình hình kinh tế thế giới (vào ngày 17-1 tới), Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã khái quát nhận định chung của IMF là kinh tế thế giới trong năm 2025 tăng trưởng ổn định nhưng vẫn còn có nhiều yếu tố bất định.
Có thể thấy, IMF đã bắt đầu có sự nhìn nhận lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng, song thận trọng hơn trong việc đánh giá thực trạng và dự báo về xu thế kinh tế thế giới cho thời gian tới.
IMF cho rằng kinh tế thế giới năm 2025 tăng trưởng ổn định, nhưng ổn định ở đây không đi cùng hàm ý tăng trưởng cao và năng động, tức là chỉ ổn định được ở mức độ chưa cao. Nguyên nhân là tác động tiêu cực của những diễn biến bất định mà IMF coi là rủi ro lớn. IMF phải rất thận trọng bởi trong năm 2024 vừa qua, IMF đã phải không ít lần điều chỉnh mức độ dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, mà đều theo hướng giảm bớt chứ không tăng cao thêm.
Vào thời điểm hiện tại, có thể nhận diện được 4 rủi ro lớn hay bất định lớn ảnh hưởng bất lợi trực tiếp tới triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới và khiến IMF chỉ có thể lạc quan một cách rất thận trọng.
Thứ nhất là tình hình chính trị, an ninh thế giới nói chung vẫn chưa thể được cải thiện đáng kể so với năm ngoái. Chiến tranh và xung đột ở một số nơi trên thế giới vẫn không những chỉ tiếp diễn mà còn thêm quyết liệt và chưa thấy có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine, mà kèm theo đó là cuộc đối địch không khoan nhượng giữa Nga với khối các quốc gia phương Tây, cũng như cuộc cạnh tranh chiến lược càng ngày càng thêm quyết liệt giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc. Tác nhân này từ mấy năm nay đã cản trở kinh tế và thương mại thế giới tăng trưởng năng động và bền vững.
Rủi ro lớn thứ hai là tỷ lệ lạm phát nhìn chung đang trong mức từ cao đến rất cao ở nhiều nền kinh tế trên thế giới và công cuộc chống lạm phát vẫn còn rất khó khăn. Tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế đều có giảm bớt, nhưng giảm rất chậm. Chính vì thế mà các ngân hàng trung ương quốc gia vẫn còn khá rụt rè với quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2025 này, các ngân hàng trung ương quốc gia có thể giảm chút lãi suất cơ bản nhưng chắc chắn chưa thể giảm nhiều và nhiều lần giảm. Điều này cũng khiến IMF không thể không thận trọng trong đánh giá và dự báo.
Rủi ro thứ ba là sự thiếu vắng của cái gọi là những đầu tàu tăng trưởng cho kinh tế thế giới, có khả năng và tác dụng kéo giúp kinh tế thế giới tăng trưởng theo. Kinh tế Mỹ hay Trung Quốc, EU hay Nhật Bản hoặc Ấn Độ hiện tại cũng như trong năm 2025 tăng trưởng chưa đủ mức độ năng động và ổn định để đảm trách được vai trò làm đầu tàu tăng trưởng cho kinh tế và thương mại thế giới. Trên phương diện này, mấy năm qua đã như vậy và trong năm 2025 nhiều khả năng sẽ lại tiếp tục như vậy.
Rủi ro lớn thứ tư là chính sách thương mại của ông Donald Trump sau khi trở lại cầm quyền ở nước Mỹ từ ngày 20-1 tới cho thời gian 4 năm. Ông Donald Trump đã báo trước là sẽ kích hoạt xung khắc thương mại với hàng loạt đối tác của Mỹ với hệ lụy và tác động hiện chưa biết đâu mà lường trước được đối với chính nước Mỹ và kinh tế, thương mại thế giới.
Với những lý do trên, IMF chỉ có thể lạc quan trong thận trọng khi dự báo về tăng trưởng của kinh tế thế giới thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.