(HNMO) - Báo cáo ngày 9-6 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, thế giới không có lựa chọn khác ngoài việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nếu muốn đạt được những mục tiêu khí hậu quan trọng.
Theo nhận định của Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol, lượng khí thải của nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển gia tăng. Trái lại, các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch đang chững lại, gây nguy cơ đối với những nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu và năng lượng bền vững.
Ông Fatih Birol cũng kỳ vọng, tại cuộc họp thượng đỉnh sắp tới ở Anh, lãnh đạo của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế ưu tiên tài trợ cho các dự án năng lượng sạch.
Giám đốc Toàn cầu về năng lượng của Ngân hàng thế giới (WB) Demetrios Papathanasiou cam kết, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia đang tìm cách chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch và mở rộng quy mô các nguồn năng lượng tái tạo và carbon thấp.
Báo cáo tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chỉ ra rằng, đầu tư vào năng lượng sạch hằng năm phải tăng hơn gấp 7 lần nếu thế giới muốn đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Báo cáo là một lời kêu gọi hành động toàn cầu, đặc biệt đối với những quốc gia giàu có, giàu nguồn lực và đủ năng lực để tạo ra sự khác biệt. Báo cáo cũng kết luận, sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư vào năng lượng sạch ở các quốc gia đang phát triển có thể làm giảm lượng khí thải và năng lượng sạch là trọng tâm trong các chiến lược phát triển cũng như chuyển đổi.
Hồi tháng 5 vừa qua, IEA cho biết, các quốc gia không nên tiếp tục triển khai các dự án nhiên liệu hóa thạch mới nếu muốn đạt được phát thải ròng bằng 0. Ước tính lượng khí thải CO2 liên quan đến lĩnh vực năng lượng tại các quốc gia này sẽ tăng thêm 5 tỷ tấn trong hai thập kỷ tới. Điều này càng khiến việc đầu tư năng lượng sạch trở thành ưu tiên hàng đầu trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu kinh phí và thiệt hại kinh tế do đại dịch toàn cầu Covid-19 đã gây ra nhiều cản trở. Tại những quốc gia đang phát triển - nơi xuất phát của hơn 90% mức tăng phát thải, đầu tư vào năng lượng sạch chỉ chiếm 1/5. Do đó vẫn tồn tại một khoảng cách lớn giữa phát thải và năng lượng sạch tại những quốc gia này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.