(HNM) - Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ai Cập đang khiến cả thế giới lo lắng, một loạt vấn đề nóng từ tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu với nền kinh tế thế giới, tình hình an ninh ở Afghanistan, đến mối đe dọa tội phạm qua mạng internet... Hội nghị An ninh Munich lần thứ 47 (Munich 47) diễn ra tại thành phố Munich (Đức) vừa khép lại ngày 6-2 sau ba ngày làm việc.
Cuộc tề tựu của hơn 350 quan chức cao cấp từ khắp nơi trên thế giới để bàn thảo về một loạt thách thức mang tính toàn cầu do hệ lụy của suy thoái kinh tế diễn ra đúng thời điểm cuộc khủng hoảng tại Ai Cập, Tunisia và một số quốc gia đang bùng phát khiến cuộc tập hợp tại Munich có tầm quan trọng đặc biệt. Làm thế nào để châu Âu "miễn dịch" trước nguy cơ đổ vỡ trong thời hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng những thách thức an ninh đã và đang xảy ra. Vấn đề được hội nghị đặt ra là các biện pháp bảo đảm an ninh, phát hiện và ngăn chặn từ xa các nguy cơ bất ổn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng: "Nếu có thể sớm giải quyết các vấn đề chính trị tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, không những chúng ta có thể tiết kiệm được nhiều tiền của, mà quan trọng hơn là bảo đảm tính mạng của con người".
Sự kiện Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START mới) tại Munich 47 được xem là một bước tiến dài trong quan hệ Đông - Tây. Đây không chỉ là dấu ấn lịch sử trong quan hệ song phương Nga - Mỹ (hai nước sở hữu tới 95% vũ khí hạt nhân của thế giới) mà còn phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng, một thế giới phi hạt nhân là hy vọng có thể. Vì chỉ riêng thực thi START mới cũng đã đủ tạo ra một thế giới an toàn hơn.
Không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, nhưng cuộc khủng hoảng tại Ai Cập đã trở thành sự kiện chi phối hầu hết chương trình nghị sự tại Munich. Là đồng minh quan trọng của phương Tây ở vùng cận Đông, đối tác đặc biệt của Hoa Kỳ tại châu Phi, nên cuộc khủng hoảng này đương nhiên trở thành mối quan tâm sâu sắc của các bên tại Munich. Dù cuộc khủng hoảng chưa đến hồi kết, nhưng những gì đang diễn ra tại Ai Cập đã thành một bài học đáng giá. Vì thế, chưa bao giờ một cuộc gặp vì an ninh toàn cầu mà vấn đề kinh tế lại được quan tâm đến thế tại Munich 47. Lãnh đạo các quốc gia có lý khi cho rằng, tạo dựng một nền kinh tế có định hướng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự như ở Ai Cập là cần thiết. Nhất trí về một thay đổi ở Ai Cập, nhưng phải diễn ra trong hòa bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng, mô hình dân chủ phương Tây không thể sao chép cho bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Dẫu vậy, làn sóng biểu tình từ Ai Cập không hề làm giảm sức nóng từ chiến trường Afghanistan. Làm thế nào để Afghanistan ổn định khi tiến trình rút quân của Mỹ khỏi quốc gia Nam Á này vào tháng 7 tới đang đến gần và tiến trình này sẽ kết thúc vào năm 2014 đã được các đại biểu tham dự Munich 47 hết sức quan tâm. Đặc biệt khi ngày 23-3 - thời điểm kết thúc sứ mệnh của Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (thành lập ngày 28-3-2002) nhằm hỗ trợ tiến trình hòa hợp dân tộc, bảo đảm quyền con người, trợ giúp nhân đạo, tạo điều kiện để khôi phục và phát triển kinh tế - đang tới gần.
Là diễn đàn trao đổi của giới chính trị, ngoại giao, quân sự ở tầm toàn cầu về những vấn đề an ninh cấp bách nhất trên thế giới kể từ năm 1962, Munich 47 vừa khép lại đã làm dấy lên hy vọng mới khi các bên, đặc biệt là Nga và Mỹ đã tìm được tiếng nói chung về vũ khí tấn công chiến lược, cũng như chia sẻ mối quan tâm nhằm giảm thiểu và đối phó hiệu quả với những thách thức xã hội trong thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế. Cuộc hội ngộ của các nhà lãnh đạo quốc tế tại diễn đàn xuyên Đại Tây Dương này một lần nữa khẳng định, một thế giới an toàn hơn không chỉ là hy vọng mà còn là con đường tất yếu mang lại sự thịnh vượng chung cho tất cả các châu lục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.