(HNM) - Mỹ, Nga và Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc - Liên đoàn Arab (AL) phụ trách vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi sẽ có cuộc gặp tay ba trong tuần tới nhằm thảo luận và tìm hướng đi cụ thể về kế hoạch hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 21 tháng qua tại Syria.
Theo đó, một thỏa thuận ngừng bắn sẽ được thực thi, một chính phủ chuyển tiếp sẽ được thành lập và tiếp theo là một cuộc bầu cử. Đây là gói giải pháp dựa trên một thỏa thuận giữa các cường quốc tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6-2012.
Damascus đã không bỏ lỡ cơ hội trước những diễn biến mới nhất này nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay. Ngày 2-1, trước Quốc hội Syria, Thủ tướng Wael al-Halaqi nhấn mạnh, Damascus sẽ "đáp lại sáng kiến của khu vực và quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại thông qua đối thoại và hòa bình". Trước đó, vào những ngày cuối năm 2012, sau các cuộc hội đàm với ông L.Brahimi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhận định rằng, vẫn còn cơ hội cho các bên để đạt được một giải pháp chính trị. Đồng thời, Mátxcơva cũng bác bỏ cáo buộc có liên quan trực tiếp đến các xung đột quân sự tại Syria. Ngoại trưởng S.Lavrov khẳng định, Nga không cung cấp các loại vũ khí cho Damascus cũng như không gửi binh sĩ tới tham chiến tại nước này. Trong khi đó, ngày 2-1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland bày tỏ hy vọng về cuộc gặp tay ba trong những ngày tới. Và Washington trông đợi Mátxcơva sẽ dùng ảnh hưởng vốn có với Syria để thuyết phục Tổng thống nước này Bashar al-Assad rời bỏ chính trường. Trong khi đó, phe đối lập tại Syria nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ bên ngoài đã lập tức lên tiếng rằng Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi trước khi có bất kỳ đối thoại nào. Đây là những trở ngại không dễ vượt qua bởi trước đó, chính quyền Damascus đã nhiều lần khẳng định, việc ra đi hay không của Tổng thống đương nhiệm B.Al-Assad phải do người dân Syria quyết định mà "không có bất cứ sức ép hay mệnh lệnh nào từ bên ngoài".
Bất chấp những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, tình hình chiến sự tại quốc gia Trung Đông vẫn tiếp diễn. Ngày 3-1, phiến quân Syria đã tấn công sân bay quân sự Taftanaz tại tỉnh Idlib ở miền Bắc, thường được quân chính phủ sử dụng để mở các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của phe nổi dậy. Ngày 2-1, ít nhất 30 người đã thiệt mạng khi các máy bay của Chính phủ Syria ném bom vào một trạm xăng ở khu ngoại ô Muleiha, do lực lượng nổi dậy kiểm soát, giáp phía Đông thủ đô Damascus. Trước đó, hôm 1-1, sân bay quốc tế tại thành phố Aleppo cũng phải tạm đóng cửa do các cuộc tấn công của những tay súng nổi dậy. Cùng ngày, một đòn nữa giáng vào chính quyền của Tổng thống B.Al-Assad khi có khoảng 20 thành viên quân đội Syria, gồm cả một viên tướng đã bỏ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thống kê, trong những ngày đầu tiên của năm mới 2013, người dân nước này đã phải hứng chịu những tổn thất to lớn. Theo đó, trong 2 ngày (1 và 2-1), ít nhất 69 người đã thiệt mạng, đẩy số người chết vì chiến sự đã lên hơn 46.000 người. Theo ước tính của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, đến tháng 6-2013, số người tị nạn Syria có thể lên tới 1,1 triệu người, tăng gấp đôi con số được Liên hợp quốc ghi nhận hiện nay...
Một giải pháp tổng thể, quyết đoán và chỉ có như vậy mới dập tắt "đám cháy" đầu năm mang tên Syria. Nhà ngoại giao L.Brahimi hy vọng, giải pháp về một lệnh ngừng bắn cũng như việc thành lập một chính phủ mới, tiến tới một cuộc bầu cử tổng thống mới hoặc một quốc hội mới sẽ đạt được trong năm 2013. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay khi phe đối lập ở Syria tiếp tục được cổ xúy, tăng cường sức mạnh trên nhiều phương diện từ bên ngoài thì việc đạt được một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria vẫn chỉ là một hy vọng mong manh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.