Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy vọng mới ở Nam Á

Trung Hiếu| 30/07/2011 08:50

(HNM) - Thế giới tuần qua chứng kiến nhiều biến động. Biểu tình, đụng độ vẫn nổ ra tại Libya, Yemen, Ai Cập… gây thương vong lớn. Nạn đói ngày một lan rộng ở vùng Sừng châu Phi buộc Liên hợp quốc phải thiết lập cầu hàng không khẩn cấp cứu trợ.


Cái bắt tay giữa Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna và người đồng cấp Pakistan Hina Rabbani Khar đã và đang mở ra nhiều hy vọng hợp tác giữa hai nước.


Dư âm của vụ đánh bom, thảm sát đẫm máu tại Na Uy đã khiến nhiều quốc gia phải cảnh báo về xu hướng khủng bố mới đang nổi lên ở phương Tây. Bức tranh thế giới nhuốm một màu sạm. Tuy nhiên, trong sắc màu ảm đạm đó vẫn le lói niềm hy vọng mới. Cái bắt tay giữa Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna và người đồng cấp Pakistan Hina Rabbani Khar - đại diện hai cường quốc về hạt nhân ở Nam Á - tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) trong tuần, đã mang lại sự lạc quan cho cộng đồng quốc tế.

Kết thúc cuộc hội đàm tại thủ đô New Delhi, ngày 27-7, ngoại trưởng hai nước đã khẳng định, mặc dù còn nhiều thách thức phía trước, song quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đang đi đúng hướng. Hai bên mong muốn phối hợp chặt chẽ, hướng tới mối quan hệ hòa bình và hợp tác, vì lợi ích hòa bình và phát triển của cả hai nước cũng như của khu vực và thế giới. Sau cuộc gặp, nữ Ngoại trưởng H.R.Khar đã làm rạng rỡ nhiều gương mặt không chỉ của người dân khu vực mà còn khiến dư luận thế giới thở phào nhẹ nhõm khi khẳng định: "Đây thực sự là một kỷ nguyên mới trong hợp tác song phương giữa Pakistan và Ấn Độ. Thế hệ sau ở hai nước sẽ được chứng kiến một mối quan hệ với triển vọng sẽ có nhiều điểm khác biệt so với mối quan hệ mà hai nước đã trải qua trong hai thập kỷ vừa qua".

Tiếp đó, chỉ vài giờ sau cuộc hội đàm thành công, Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí đơn giản hóa các thủ tục đi lại và tăng tần suất xe buýt phục vụ người dân ở khu vực Kashmir, nơi vốn tồn tại nhiều mâu thuẫn trong quan hệ hai nước. Hoạt động đi lại tại khu vực Kashmir từ nay sẽ gồm cả các chuyến du lịch và hành hương tín ngưỡng, thay vì chỉ có dịch vụ xe buýt dành cho các gia đình bị ly tán sau cuộc chiến năm 1947 tại Kashmir. Hai bên cũng quyết định nới lỏng các điều kiện cấp giấy thông hành. Theo đó, giấy phép sẽ có thời hạn 6 tháng ra vào nhiều lần thay vì chỉ 4 tuần như hiện nay. Số ngày được phép kinh doanh buôn bán sẽ tăng từ 2 lên 4 ngày mỗi tuần. Ngoài ra, hai bên cũng đã nhất trí triệu tập họp riêng rẽ các nhóm chuyên gia về hạt nhân và các biện pháp xây dựng lòng tin tại Islamabad vào tháng 9-2011…

Cũng phải thêm rằng, đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai ngoại trưởng trong hơn một năm qua và được kỳ vọng rất nhiều. Bởi quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng tại Nam Á này đã xuống rất thấp sau vụ tấn công khủng bố vào trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ năm 2008, làm 166 người thiệt mạng. New Delhi cáo buộc các phần tử Hồi giáo ẩn náu tại Pakistan là thủ phạm gây ra vụ tấn công. Thêm vào đó, cuộc tranh chấp lãnh thổ dai dẳng ở khu vực Kashmir, từng đẩy hai nước vào hai cuộc chiến tranh, đã khiến Ấn Độ ngừng các cuộc đàm phán hòa bình với Pakistan.

Tuy nhiên, tháng hai vừa qua, hai nước tuyên bố sẽ nối lại các cuộc hòa đàm. Một loạt các hoạt động ngoại giao, kinh tế, hợp tác quân sự đã diễn ra sau đó, làm dấy lên niềm tin tưởng giữa hai nước. Trong đó có sự kiện Ấn Độ trả tự do và hồi hương 91 tù nhân Pakistan (26-7), nhằm thể hiện thiện chí trước thềm cuộc gặp đầu tiên giữa ngoại trưởng hai nước. Trước đó, hồi cuối tháng 6-2011, phái đoàn đàm phán của hai nước đã có cuộc gặp gỡ và thống nhất về các biện pháp nhằm xây dựng lòng tin trong lĩnh vực hạt nhân cũng như vũ khí thông thường; đồng thời mở rộng thương mại và hoạt động qua lại ranh giới ở khu vực Kasmia đang tranh chấp. Hồi cuối tháng 5-2011, Thứ trưởng Quốc phòng hai nước cũng đã hội đàm tại Ấn Độ về sông băng Siachen trên dãy Himalaya vốn tồn tại tranh chấp giữa hai bên. Cuối tháng 4-2011, Bí thư Thương mại Ấn Độ và Pakistan đã nhóm họp tại Islamabad để bàn thảo việc nối lại đàm phán thương mại song phương…

Tiếp nối những tiến triển về ngoại giao, kết quả cuộc gặp giữa Ngoại trưởng S.M.Krishna và người đồng cấp Pakistan Hina Rabbani Khar được xem là bước quyết định khơi thông tiến trình hòa đàm giữa Ấn Độ và Pakistan. Cái bắt tay ở Nam Á không chỉ giúp thế giới giảm bớt gánh nặng về nguy cơ tiềm tàng xung đột hạt nhân mà còn mang lại hy vọng thịnh vượng cho người dân nơi đây, một nhân tố tích cực cho hòa bình thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hy vọng mới ở Nam Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.