Liệu pháp mới có thể giúp bệnh nhân bị liệt có thể đứng dậy, đi lại bằng cách cấy ghép một thiết bị vào cột sống.
4 năm trước, Kelly Thomas, khi đó mới 19 tuổi, tỉnh dậy trong một bệnh viện ở Florida mà không hề nhớ gì về tai nạn ôtô đã cướp đi khả năng đi lại của cô. Cô được chẩn đoán là bị liệt từ phần ngực xuống dưới và không có hi vọng hồi phục. Một năm trước, Kelly đã chuyển tới Kentucky để tham gia một nghiên cứu mà cô hy vọng sẽ hồi phục lại tủy sống và có thể đi lại.
Hiện, Kelly đã 23 tuổi, là một trong số nhiều người bị chấn thương tủy sống, có thể đi một số bước mà không cần trợ giúp, nhờ một liệu pháp phối hợp thực nghiệm.
Theo Washington Post, trong một nghiên cứu tại Đại học Louisville, Kelly và 3 người khác được sử dụng một thiết bị phẫu thuật cấy ghép trên dây thần kinh cột sống để kích thích hoạt động cột sống, kèm theo những vật lý trị liệu hàng ngày.
Kelly phải học cách bước đi với sự trợ giúp của thiết bị cấy ghép và sự giúp đỡ của nhà vật lý trị liệu. Ảnh: Washingtonpost. |
4 bệnh nhân đều phải trải qua quá trình trị liệu 2 lần mỗi ngày, 5 ngày/tuần trong rất nhiều tháng. Vào buổi sáng, họ tập bước đi, trong khi tập đứng vào buổi chiều. Liệu pháp của Kelly kéo dài 10 tháng sau khi cô được cấy ghép.
Sau cấy ghép thiết bị, họ bắt đầu bằng một đợt điều trị nghiêm ngặt hàng ngày khi các nhà trị liệu rèn luyện tâm trí và cơ thể của người bệnh về cách bước đi. Kelly nói rằng ban đầu nó không khả quan vì cô ấy khó có thể thực hiện theo các tín hiệu như "nhấc ngón chân" hoặc "kéo đầu gối của bạn lên". Nhưng sau đó, cô cũng dần làm quen với chúng. Ban đầu cô bước lên bằng chân phải rồi mới tới chân trái, nhưng chân trái mất nhiều thời gian hơn.
"Nó cực kỳ, cực kỳ khó khăn lúc đầu. Tôi không thể nói chuyện, không thể nhìn bất cứ ai, tôi hoàn toàn tập trung vào cơ thể của mình. Bây giờ, tôi có thể bước đi và nói chuyện, nó không phải là cuộc đấu tranh nữa. Nhưng nó vẫn không hề dễ dàng và hoàn toàn tự nhiên," Kelly chia sẻ.
Trên tạp chí Y học New England, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng 4 người đều có thể tự đứng, 2 người trong đó có Kelly, có thể tự đi lại. Nghiên cứu được tài trợ bởi một quỹ từ thiện, Bệnh viện Đại học Louisville và công ty sản xuất thiết bị Medtronic.
Theo CNN, Susan Harkema, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của dự án, đồng thời là giáo sư tại Khoa phẫu thuật thần kinh tại Đại học Louisville cho biết: "Điều này giúp chúng tôi thay đổi suy nghĩ về những người bị liệt".
Đồng quan điểm, tiến sĩ Kendall Lee, Giám đốc phòng thí nghiệm kỹ thuật thần kinh của Mayo Clinic, cũng khẳng định nghiên cứu này cho thấy những nơ ron dưới tủy sống vẫn có thể hoạt động sau khi bị liệt. Theo ông Lee, điều quan trọng là công nghệ này cho phép kiểm soát chức năng và tự đi được trở lại.
Dù không trực tiếp tham gia vào nghiên cứu, David Darrow, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Đại học Y khoa Minnesota, cho biết: "Lịch sử nghiên cứu chấn thương tủy sống có hơn 50 năm với rất nhiều thử nghiệm không thành công, không có kết quả tích cực. Đây thật sự là một đột phá mới".
Theo bác sĩ Darrow, có nhiều lời góp ý và một loạt câu hỏi mang tính khoa học và y khoa về kết quả nghiên cứu này hiện chưa có lời giải đáp. Theo đó, kết quả nghiên cứu mới chỉ hiệu quả với một số ít bệnh nhân, do đó, chưa thể khẳng định chắc chắn việc can thiệp cho nhiều người bị chấn thương tủy sống nặng hơn có hiệu quả hay không. Ngoài ra, còn rất nhiều câu hỏi về cách thức hoạt động của liệu pháp này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.