Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy vọng cuối của Than Quảng Ninh

Minh Quang| 05/09/2010 08:19

(HNM) - Giờ là lúc lớp cầu thủ Than Quảng Ninh đứng trước cơ hội đưa người hâm mộ tỉnh nhà trở lại với ngày xưa ấy, thấy sự công bằng khi

Giành ngôi Á quân Giải hạng Nhất, Than Quảng Ninh vẫn phải tranh vé vớt hạng chuyên nghiệp. Ảnh: Minh Phương


Thời xa vắng
Bóng đá Quảng Ninh từng có một Thanh niên Hồng Quảng lẫy lừng trong các giải đấu của miền Bắc mà đỉnh cao là vô địch miền Bắc, vô địch Tổng Công đoàn Việt Nam năm 1962. Ở đó, Đội bóng đá Than Quảng Ninh đã ra đời để trong những năm 1980 thỏa sức vẫy vùng tại các giải đấu đỉnh cao Việt Nam. Người tài từ bóng đá đất mỏ không thiếu. Cựu danh thủ Trần Duy Long (sau này từng khoác áo đội Trường Huấn luyện thể thao Trung ương, từng là HLV Đội tuyển Việt Nam), Nguyễn Trọng Giáp (cựu trung vệ nổi tiếng của Thể Công, Đội tuyển Việt Nam) từng khởi nghiệp tại Quảng Ninh. Những Trần Duy Long, Nguyễn Trọng Giáp hay Nguyễn Gia Xuân, Nguyễn Văn Sĩ (đều khoác áo Thể Công), Bùi Hữu Lợi (tiền vệ trụ nổi tiếng một thời của CA Hà Nội) đều sau khi rời Quảng Ninh đã thực sự nổi tiếng. Ngay ở đội bóng Than Quảng Ninh và trước đó là Thanh niên Hồng Quảng cũng có nhiều danh thủ khẳng định được tên tuổi. Đó là Trần Chính, Bùi Uy, Vũ Bá Tòng, Nguyễn Văn Mâu, Phạm Văn Thông, Bùi Trọng Chuyên, Từ Viết Hà và nhất là cặp anh em Nguyễn Đình Hùng A, Nguyễn Đình Hùng B. Đó là cặp cầu thủ nổi tiếng nhất của bóng đá Quảng Ninh cũng như bóng đá Việt Nam. Cả hai đều có tài, cùng thi đấu trên hàng công và đều để lại dấu ấn nhờ những "ngón độc".

Thế nhưng, "vật đổi sao dời". Khi bóng đá bao cấp mất chỗ đứng cũng là lúc bóng đá Quảng Ninh thoái trào mà đỉnh điểm là xuống hạng nhì vào năm 1991. 15 năm lay lắt trong giải hạng nhì vì thiếu kinh phí, chấp nhận làm "mỏ" để các đội khác "đào" cầu thủ, bóng đá Quảng Ninh chỉ trở lại được hạng nhất vào năm 2006 sau khi được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư. Nhưng với nguồn kinh phí cầm chừng, Than Quảng Ninh cũng chỉ nghĩ đến mục tiêu trụ hạng vì biết rằng nếu lên chuyên nghiệp cũng không đủ lực về con người, tài chính để đi tiếp. Vì thế, cả cầu thủ nội rồi ngoại cũng lũ lượt rời khỏi đây. Samson (nay đang khoác áo Đồng Tháp) từng nổi danh từ khi khoác áo Than Quảng Ninh, Eduardo (từng giành danh hiệu Vua phá lưới Giải hạng Nhất 2009) cũng chuyển về Hòa Phát Hà Nội khi Than Quảng Ninh không thể chi mạnh tay để giữ họ. Bóng đá Quảng Ninh đành thu nạp nhiều cầu thủ đã hết thời ở các đội khác và những cầu thủ ngoại giá rẻ để tăng cường quân số. Được cái, HLV Đinh Cao Nghĩa mát tay trong tuyển chọn cầu thủ ngoại nên mùa nào cũng có các chân sút ngoại hàng đầu Giải hạng Nhất.

Còn một trận đấu!
Mùa bóng 2010, Than Quảng Ninh không phải là đội bóng mạnh tay chi. Mức thưởng 160 triệu đồng cho một trận thắng chỉ là mức trung bình tại Giải hạng Nhất. Nhưng từ lãnh đạo đến thầy trò Đinh Cao Nghĩa đều quyết tâm lên hạng chuyên nghiệp. Vậy nên, tất cả đều cắn răng thi đấu, nhất là khi giải còn 1/3 chặng đường. Xếp hạng nhì đồng nghĩa với việc được lên hạng trực tiếp nhưng chỉ vì chuyện cổ phần hóa các đội bóng khác cứ nhùng nhằng khiến Than Quảng Ninh phải đá thêm một trận tranh vé vớt với Navibank Sài Gòn vào chiều     5-9. Không dồi dào về tài chính, nhưng số tiền tỷ (được dự báo khoảng 2 tỷ đồng) đã được cơ quan chủ quản, lãnh đạo tỉnh treo thưởng cho các cầu thủ đất mỏ nếu thăng hạng. Không chỉ vì tiền thưởng, cầu thủ Than Quảng Ninh còn nhiều mục tiêu khác như phải chứng tỏ rằng họ xứng đáng được lên hạng chuyên nghiệp thay vì Navibank Sài Gòn - đội bóng được hưởng lợi từ thông báo về số đội dự giải chuyên nghiệp của BTC, rằng công bằng cần được thiết lập. Chỉ còn một trận đấu để họ chứng tỏ điều này.

Vì thế, cho dù được đánh giá cao hơn thì Navibank Sài Gòn cũng phải dè chừng trước đội bóng đất mỏ vốn nổi tiếng với lối chơi tập thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hy vọng cuối của Than Quảng Ninh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.