Huyện Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và hoàn thiện hồ sơ gửi Thành phố trình Trung ương thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Huyện cũng đang trong quá trình xây dựng huyện lên quận, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
15/15 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao
Thời gian qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện được triển khai nhanh, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống người dân. Theo Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Xuân Thọ, năm 2022, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Xã đã thực hiện chuyển đổi số và thôn thông minh cho 4/4 thôn trên địa bàn và lựa chọn thôn Vĩnh Thịnh xây dựng thôn thông minh. Nhờ đó, trên địa bàn thôn Vĩnh Thịnh có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, các sản phẩm làng nghề nón lá truyền thống trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, như zalo, facebook... được quảng bá rộng rãi. Ngoài ra, năm 2022, xã Đại Áng đã được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch, là cơ hội để xã quảng bá sản phẩm du lịch đến với du khách trong và ngoài thành phố.
Cũng như Đại Áng, xã Yên Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. 100% tuyến đường trục xã, liên xã, đường trục thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; các tuyến đường ngõ xóm được bê tông hóa, các tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Bà Trần Thị Huệ ở xã Yên Mỹ chia sẻ, nhờ xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân trên địa bàn xã không ngừng được nâng cao; cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, thời gian qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2015, huyện Thanh Trì có 15/15 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2017, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thành ủy về xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Thanh Trì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, 15/15 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao giai đoạn 2021 - 2025; trong đó xã Yên Mỹ và xã Đại Áng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực, thị trấn Văn Điển được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện đã hoàn thiện hồ sơ gửi thành phố trình trung ương thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Nhờ thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh trên địa bàn huyện không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Công tác tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra sôi động, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân; các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư. Tất cả các thôn đều có điểm sinh hoạt văn hóa và được đầu tư trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư. Hệ thống chính trị trên địa bàn được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; 100% cơ sở đều đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Trần Nhật Lam, thời gian qua, huyện Thanh Trì đã đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân. Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì cần phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; duy trì các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; cải cách hành chính; quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhất là phát huy giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử.
Hướng tới quận văn minh, hiện đại
Cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, trên địa bàn huyện đã có 8 xã được UBND thành phố công nhận là Điểm du lịch, gồm Đại Áng, Yên Mỹ, Tam Hiệp, Duyên Hà, Thanh Liệt, Vạn Phúc, Đông Mỹ, Tân Triều và có một làng nghề Hà Nội. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, thu ngân sách, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Đến nay, huyện đã đạt 33/34 tiêu chuẩn thành lập quận; còn một tiêu chuẩn chưa đạt là cân đối thu, chi ngân sách và đây là tiêu chuẩn bắt buộc phải đạt.
Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, trong thời gian tới, huyện tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập quận và các xã thành phường, hoàn thành một tiêu chuẩn quận chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó là việc thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo bền vững; phấn đấu không phát sinh hộ cận nghèo ở các xã: Tân Triều, Thanh Liệt, Tứ Hiệp, Liên Ninh và thị trấn Văn Điển; quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể; phát triển văn hóa gắn với du lịch tâm linh. Đặc biệt, huyện xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, nông nghiệp xanh, nông thôn sạch - đẹp.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển huyện Thanh Trì ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với danh hiệu huyện Anh hùng của Thủ đô Anh hùng” - Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.