Chính trị

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thanh Trì (6/10/1954 - 6/10/2024): Tự hào truyền thống, vững bước vươn lên

Nguyễn Tiến Cường 04/10/2024 - 06:21

Ngày 6-10-1954, huyện Thanh Trì hoàn toàn giải phóng. Đây là sự kiện, dấu mốc quan trọng mở ra thời kỳ phát triển mới của huyện và Thủ đô.

70 năm xây dựng và phát triển, thẳm sâu trong ký ức của người dân Thanh Trì vẫn luôn in đậm hình ảnh cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trong niềm hạnh phúc vô bờ, khi chính quyền về tay nhân dân. Những chiến tích hào hùng của Ngày Giải phóng là điểm tựa tinh thần để huyện vững vàng trên con đường đi tới tương lai.

thanh-tri.jpg
Huyện Thanh Trì quyết tâm xây dựng, phát triển huyện thành quận giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Vang vọng truyền thống quê hương

Thanh Trì là huyện phía Nam Thủ đô Hà Nội, mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, quê hương của các danh nhân: Đô Hồ Đại vương Phạm Tu, Tiên triết Chu Văn An - Người thầy của muôn đời, bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, danh nhân Ngô Thì Nhậm… Đặc biệt, Thanh Trì là một trong số ít địa phương có hai làng khoa bảng tiêu biểu, là: Nguyệt Áng (xã Đại Áng), Tả Thanh Oai (xã Tả Thanh Oai).

Trong những năm đầu thế kỷ XX, huyện Thanh Trì là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng vùng ngoại thành Hà Nội. Nhiều thanh niên của địa phương đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Tháng 5-1930, Chi bộ Đông Phù - Chi bộ Cộng sản đầu tiên của vùng ngoại thành Hà Nội được thành lập tại thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ. Thanh Trì là quê hương của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Đỗ Ngọc Du, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên; đồng chí Vương Thừa Vũ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội… và nhiều chiến sĩ cộng sản tiêu biểu.

Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường cùng quân và dân cả nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Ngày 6-10-1954, Trung đoàn 88 Tu Vũ thuộc Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân tiên phong về tiếp quản Thanh Trì, công tác tiếp quản quận lỵ Văn Điển hoàn thành, một cuộc mít tinh mừng chiến thắng được tổ chức ngay tại ga Văn Điển. Văn Điển là quận lỵ đầu tiên được giải phóng ở ngoại thành Hà Nội.

Ngày 6-10-1954, huyện Thanh Trì hoàn toàn giải phóng, trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân huyện Thanh Trì, đánh dấu một giai đoạn đấu tranh anh dũng, quật cường, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết keo sơn, tất cả vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ngày 31-5-1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/CP lập huyện Thanh Trì mới. Theo đó, 10 xã của quận VII Hà Nội hợp nhất với 11 xã và 1 thị trấn của huyện Thanh Trì (tỉnh Hà Đông cũ) để thành lập huyện Thanh Trì, một trong bốn huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Thanh Trì vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương để luôn làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng vì miền Nam ruột thịt, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Huyện Thanh Trì năm nào cũng bảo đảm giao đủ và đúng hạn lương thực và quân số huy động cho miền Nam. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài và gian khổ được đánh dấu bằng Chiến thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước bước vào kỷ nguyên mới, độc lập, tự do, cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm tháng xây dựng quê hương, Đảng bộ và nhân dân Thanh Trì vinh dự được đón Bác Hồ nhiều lần về thăm, chúc Tết và tặng quà. Những lời động viên, thăm hỏi của Người là nguồn sức mạnh to lớn giúp Đảng bộ và nhân dân Thanh Trì luôn vững vàng, tin tưởng, hăng say lao động sản xuất và chiến đấu, đạt được những thành tựu quan trọng.

Vững vàng trên chặng đường đi tới

Qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, thực hiện Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 6-11-2003 của Chính phủ, đầu năm 2004, huyện Thanh Trì chuyển giao 9 xã để thành lập quận mới Hoàng Mai. Hiện tại, huyện còn 15 xã và 1 thị trấn, với diện tích đất tự nhiên là 6.349,3ha, dân số hơn 300.000 người.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025), với tinh thần: “Phát huy truyền thống lịch sử, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động mọi nguồn lực, sáng tạo, vươn lên xây dựng huyện thành quận giàu đẹp, văn minh”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì đã đoàn kết, phát huy những thuận lợi, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2023 tăng 12,4%. 8 làng nghề và 129 sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên (trong đó có 64 sản phẩm đạt 4 sao).

Thu nhập bình quân đầu người đạt 77,6 triệu đồng/năm, tăng 15,6 triệu đồng so với năm 2020. Toàn bộ 15 xã của huyện được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao giai đoạn 2021-2025 là 5 xã. Thị trấn Văn Điển được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; 8 xã được thành phố công nhận điểm đến du lịch và 7 làng nghề Hà Nội. Về tiến độ thực hiện Đề án thành lập quận, huyện đạt 33/34 tiêu chuẩn, còn một tiêu chuẩn chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách và các xã đều đạt từ 14 đến 17/18 tiêu chuẩn thành lập phường.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Toàn huyện có 68/73 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 93,2% (vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ 11,2%); trong đó có 34 trường đạt chuẩn mức độ 2, là huyện có tỷ lệ trường chuẩn trong tốp đầu của thành phố. Công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách được thực hiện đúng, đủ, kịp thời; huyện không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 0,19%. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, ổn định.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên mọi lĩnh vực được khẳng định. Đến nay, Đảng bộ huyện có 68 chi, đảng bộ trực thuộc, 346 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, với hơn 12.742 đảng viên. Hằng năm, các tổ chức cơ sở Đảng được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt tỷ lệ từ 97,67% đến 100%; đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt tỷ lệ từ 93,2% đến 93,34%. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được đổi mới; tư tưởng nhân dân ổn định, tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị.

Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã hoàn thành đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu; trong đó có 9/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc và sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý cho huyện, như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2010); các năm 2015, 2016 huyện liên tiếp được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu; năm 2017, huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành trước 2 năm so với kế hoạch), được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 16/16 xã, thị trấn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…

Ngày 5-10-2024, huyện Thanh Trì tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện (6/10/1954 - 6/10/2024) và đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của Thủ tướng Chính phủ (là huyện đầu tiên của Hà Nội được vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý này).

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng, quá khứ vinh quang luôn là ngọn nguồn sức mạnh mãnh liệt để hướng đến tương lai rộng mở, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Trì nguyện tiếp bước cha anh, giữ vững niềm tin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chung sức, đồng lòng vững bước tiến lên trên chặng đường mới, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển huyện thành quận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại xứng đáng với danh hiệu huyện Anh hùng của Thủ đô Anh hùng nghìn năm văn hiến.

Nguyễn Tiến Cường
Bí thư Huyện ủy Thanh Trì

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thanh Trì (6/10/1954 - 6/10/2024): Tự hào truyền thống, vững bước vươn lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.