Nhờ thực hiện tốt Chương trình số 07-CTr/HU ngày 22-10-2020 của Huyện ủy Thanh Trì về “Phát triển văn hóa - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện”, Thanh Trì đã bước đầu thành công trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy Thanh Trì, xã Tân Triều đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn những văn hóa truyền thống.
Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền cho biết, Tân Triều là xã giàu truyền thống cách mạng, có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhưng nơi đây vẫn giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống và nét đẹp văn hóa đặc trưng.
Hệ thống sắc phong tại đình của 2 thôn được thành phố công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm và lễ hội thôn Triều Khúc, trong đó có các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian: Múa trống bồng, múa lân, múa chạy cờ, múa sênh tiền được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tương tự, xã Tứ Hiệp dù có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng làng quê vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống. Ông Chu Văn Khởi (thôn Cổ Điển A, xã Tứ Hiệp) chia sẻ, điểm nhấn của thôn Cổ Điển A chính là điệu múa rồng truyền thống. Thôn đã duy trì các đội múa rồng để truyền dạy nghệ thuật múa rồng truyền thống cho các thế hệ. “Mỗi khi Tết đến, xuân về hay vào ngày hội làng, cảnh rồng uốn lượn, nhào lộn, làm xiếc, giúp cho nhân dân trong xã quên đi những nhọc nhằn, vất vả, hướng đến những ngày tháng thanh bình, no đủ”, ông Khởi cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, trên địa bàn huyện hiện có 154 di tích lịch sử, văn hóa và 45 lễ hội truyền thống. Những năm qua, huyện luôn triển khai các giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021-2025”, với tổng kinh phí 356,138 tỷ đồng.
Đến nay, huyện đã rà soát, kiểm tra hiện trạng 48 di tích, 29/29 di tích đã hoàn thành các bước thỏa thuận chuyên ngành, được nghiên cứu triển khai dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo với nhu cầu vốn đầu tư 475,2 tỷ đồng; trong đó có 7 di tích đã triển khai thi công (4 di tích đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 2 di tích đã cơ bản hoàn thành, 1 di tích đang thi công theo tiến độ). Năm 2023, huyện đã phê duyệt quyết định đầu tư 6 dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án, 10 dự án đã có ý kiến chuyên ngành về quy mô đầu tư; lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo 14 di tích bị xuống cấp; hoàn thiện hồ sơ trình xếp hạng 17 di tích; đề xuất nâng hạng lên cấp quốc gia di tích chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân Kỷ Dậu và lên cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích đình Chu Văn An…
Gắn với phát triển du lịch
Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, cách mạng, trong thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục có những giải pháp để giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa của địa phương gắn với phát triển du lịch.
Theo Trưởng thôn 3, xã Yên Mỹ Đàm Mạnh Luy, ở các làng, thôn, người dân tích cực hiến kế, hiến công, hiến của để tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa: Sinh hoạt câu lạc bộ, liên hoan văn nghệ quần chúng, xây dựng các thiết chế văn hóa, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương cho rằng, các địa phương trên địa bàn huyện cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy, tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát triển các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn xã giai đoạn 2021-2025”. Đặc biệt, huy động mọi nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, cách mạng, các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, chú trọng phát triển nhóm sản phẩm du lịch tham quan, sinh thái, trải nghiệm làng nghề, nhằm quảng bá văn hóa truyền thống, giới thiệu hình ảnh của huyện đến du khách trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở, các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, xã phát triển thành phường; đồng thời, phát huy hiệu quả các quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.