Nông nghiệp - Nông thôn

Huyện Thanh Oai: Những bước đi bài bản để “cán đích”

Đỗ Minh 17/08/2024 - 06:21

Theo định hướng của Thành phố Hà Nội, huyện Thanh Oai sẽ trở thành quận vào giai đoạn 2026 - 2030. Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian qua, huyện đã điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nhiều quy hoạch trên cơ sở phù hợp quy hoạch chung của thành phố và điều kiện phát triển hiện nay. Thanh Oai phấn đấu đến năm 2028 sẽ trở thành quận xanh, trung tâm kinh tế phía Tây Nam Thủ đô.

thanh-oai.jpg
Huyện Thanh Oai xây dựng nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối quận, huyện và liên xã.

Đột phá từ quy hoạch

Trong những năm qua, huyện Thanh Oai luôn chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng theo quy định. Nhờ đó, nhiều dự án giao thông, hạ tầng sản xuất đã hình thành. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, để phát triển thì quy hoạch phải đi trước, từ đó mới xây dựng được hệ thống kết nối giao thông, giao thương, sản xuất. Bám sát nhu cầu thực tế, dựa trên cơ sở quy hoạch chung, huyện tổ chức lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Huyện yêu cầu trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, các chủ đầu tư lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư liên quan đồ án quy hoạch theo quy định. Tiếp đó, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan công khai quy hoạch theo quy định nên nhận được sự đồng tình của người dân” - ông Bùi Văn Sáng chia sẻ.

Cùng với quy hoạch chung toàn huyện, công tác lập quy hoạch chi tiết các điểm dân cư và khu trung tâm xã được huyện chú trọng nhằm tạo sự đồng bộ, nhất quán trong định hướng phát triển. Từ năm 2022, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn ở hầu hết các xã: Tân Ước, Cao Dương, Dân Hòa, Hồng Dương, Kim Thư, Liên Châu, Thanh Văn, Kim An, Xuân Dương, Đỗ Động...

Đặc biệt, với định hướng mới, xây dựng quận sinh thái, huyện Thanh Oai đã chủ động điều chỉnh quy hoạch. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai Nguyễn Ngọc Minh cho biết, huyện đã thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp, quy hoạch các xã, trụ sở đơn vị, cơ quan; mở rộng tuyến quốc lộ 21B trên địa bàn huyện; tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng các tuyến đường, xây dựng kế hoạch duy tu một số tuyến đường do huyện quản lý. Huyện mở rộng các tuyến đường giao thông trục dọc, trục ngang kết nối trong huyện và địa bàn lân cận nhằm khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường. Từ năm 2022 đến nay, Thanh Oai đã khởi công nhiều tuyến đường mới; cải tạo sửa chữa gần 49km đường, tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều cụm công nghiệp đã được quy hoạch, triển khai và khởi công xây dựng...

Phát huy nguồn lực

Vừa qua, tại buổi làm việc với huyện Thanh Oai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Thanh Oai có vị trí chiến lược trong phát triển phía Tây Nam Hà Nội, có nhiều nguồn lực để bứt phá... Huyện Thanh Oai cần xây dựng lộ trình, kế hoạch để phát huy hiệu quả nguồn lực hiện có.

Theo Bí thư Huyện ủy Bùi Hoàng Phan, Thanh Oai xác định rõ, năm 2024 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội XXIII Đảng bộ huyện. Bước qua nửa đầu năm, huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đối với chỉ đạo của thành phố, huyện đang tập trung giải quyết những “điểm nghẽn” trong đầu tư xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ưu tiên các dự án trọng điểm của Trung ương và của thành phố. Đặc biệt, huyện tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; thực hiện tốt công tác phát triển đô thị, hoàn thành quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đồ án quy hoạch liên quan trên địa bàn huyện đi đôi với tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng... “Thanh Oai tận dụng lợi thế tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa bàn (chiều dài 7,9km), huyện sẽ quy hoạch không gian ngầm kết nối trung tâm thành phố với tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn huyện và tuyến đường trục phát triển phía Nam đi các khu du lịch tâm linh, như chùa Hương (Hà Nội), Tam Chúc (Hà Nam), Bái Đính (Ninh Bình)” - Bí thư Huyện ủy Bùi Hoàng Phan thông tin.

Bên cạnh đó, Thanh Oai cũng kiến nghị Thành phố điều chỉnh một số quy hoạch để phù hợp nhiệm vụ, yêu cầu phát triển mới. Cụ thể, Thanh Oai đề xuất điều chỉnh, bổ sung tính chất, chức năng của huyện vào điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho hay, theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tính chất và chức năng huyện Thanh Oai “... nằm trong khu vực quy hoạch vành đai xanh của Thủ đô, thị trấn Kim Bài (trung tâm huyện Thanh Oai) là đô thị sinh thái mật độ thấp”. Về chức năng này, huyện đã đề xuất điều chỉnh nội dung tính chất, chức năng của vùng Thanh Oai trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô: Là vùng sinh thái, phát triển đô thị hiện đại cho khu vực trung tâm thành phố, đang có xu hướng phát triển lên quận; là vùng sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp làng nghề; phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, logistic quan trọng phía Nam Thủ đô; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quan trọng của Thủ đô (đến năm 2030). Theo đó, huyện Thanh Oai sẽ phân thành 4 vùng quy hoạch cụ thể: Vùng 1 là trung tâm (đô thị, hành chính, dịch vụ) gồm thị trấn Kim Bài và một phần các xã: Thanh Mai, Bình Minh, Tam Hưng, Thanh Văn... với khoảng 2.100ha. Vùng 2 phía Bắc đô thị nén gắn với Vành đai 4; Vùng 3 phía Tây là đô thị sinh thái, du lịch; Vùng 4 là công nghiệp, nông nghiệp. Các quy hoạch đều phù hợp điều kiện sử dụng đất, thổ nhưỡng, thế mạnh của các địa phương.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, huyện phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển lên quận trong năm 2028, trở thành quận hiện đại, văn minh theo hướng đô thị sinh thái; tập trung phát triển đô thị theo mô hình nén, tập trung ở các xã phía Bắc và Tây Bắc; hình thành các khu đô thị thông minh dọc các trục giao thông quan trọng. Song song với đó, khu vực trung tâm huyện sẽ được định hướng phát triển thành khu đô thị sinh thái với hệ thống cây xanh, hồ điều hòa rộng khắp, các tiện ích vui chơi, giải trí đa dạng được quy hoạch đồng bộ. Về kinh tế, Thanh Oai sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và logistics hiện đại khu vực phía nam Thủ đô. Hệ thống các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch và phát triển đồng bộ. Đặc biệt, huyện sẽ phát triển thương mại - dịch vụ thể thao, như sân golf, các khu du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh gắn với các di tích lịch sử, văn hóa...

Thanh Oai cũng đề xuất định hướng phát triển đô thị, trong đó cập nhật khu đô thị phía tây Vành đai 4 đang được đề xuất theo Quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch khu đô thị sinh thái với mật độ xây dựng thấp tại một số khu vực giáp đường trục phát triển phía nam, đường trục phát triển kinh tế huyện và tuyến đường kênh Yên Cốc chạy dọc địa bàn huyện Thanh Oai. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định: “Đối với quy hoạch vùng huyện, chúng tôi thận trọng, lập quy hoạch cụ thể và xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học”.

Với những bước đi bài bản, Thanh Oai sẽ sớm cán đích mục tiêu xây dựng quận sinh thái xanh phía Tây Nam Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thanh Oai: Những bước đi bài bản để “cán đích”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.