(HNM) - Rác thải ùn ứ, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng hoặc nguồn nước bị ô nhiễm là thực trạng ở nhiều vùng nông thôn. Có những nơi người dân phải mua nước sinh hoạt hằng ngày, điều này gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội mà những gì xảy ra trên địa bàn huyện Thạch Thất là một ví dụ.
Nóng chuyện rác thải, nước sạch
59 làng nghề và hơn 600 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động hiệu quả đã có những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của huyện Thạch Thất, nhưng cũng để lại hệ lụy. Sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các làng nghề và lượng rác thải ra môi trường ở Thạch Thất rất đáng để suy nghĩ. Theo thống kê của UBND huyện Thạch Thất, ngoài lượng rác tồn đọng khoảng 9.000 tấn chưa được xử lý thì trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 100 tấn từ quá trình sản xuất và sinh hoạt. Trong khi đó, năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của Thạch Thất còn nhiều hạn chế. Tại 17/23 xã, thị trấn của huyện, người ta chỉ xử lý được 75% lượng rác thải phát sinh hằng ngày, số còn lại do các hộ gia đình tự giải quyết. Cá biệt, các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình, Tân Xã, Cần Kiệm, Bình Yên chưa tổ chức thu gom, xử lý rác thải.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho rằng, nguyên nhân chính là do nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế chưa chú trọng đến việc bảo vệ môi trường. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hiện nay các xã, thị trấn đã có bãi chứa tạm thời, song quy mô còn nhỏ. Toàn huyện Thạch Thất đã xác định được 30 điểm tập kết rác thải với tổng diện tích 9,2ha, nhưng đến nay mới được chấp thuận 9 vị trí. Đối với khu xử lý rác thải chung cho toàn huyện với diện tích 10ha tại xã Lại Thượng, hiện mới dừng ở bước phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500.
Nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho cư dân Thạch Thất khá căng thẳng. Hiện nay, nguồn nước phục vụ sinh hoạt chủ yếu là giếng khoan, giếng đào, nước mưa và một số ao hồ. Ở những xã làng nghề thường có chuyện thiếu nước sinh hoạt, nguồn nước bị ô nhiễm, người dân phải mua nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Tại các xã Chàng Sơn, Tân Xã, Phùng Xá, Hữu Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải, Bình Phú... các giếng đào phục vụ sinh hoạt chưa bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh do bị ô nhiễm; với giếng khoan, nước thường bị nhiễm các kim loại nặng như sắt, chất hữu cơ, asen, amoni... Người dân huyện Thạch Thất trông đợi vào các trạm cấp nước sạch tập trung, thế nhưng, việc triển khai xây dựng, các trạm cấp nước ở xã Đại Đồng, Hữu Bằng, Phùng Xá, Dị Nậu, Chàng Sơn... vẫn còn dở dang, rối như tơ vò.
Giải quyết tình trạng "sống chung" với ô nhiễm
Trước nhu cầu cấp thiết về nguồn nước sinh hoạt của người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng đã yêu cầu huyện Thạch Thất rà soát các dự án cung cấp nước sạch đã và đang thực hiện trên địa bàn. Đặc biệt là điểm "nóng" Chàng Sơn, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt thì cần khẩn trương lập dự án cấp nước sạch. Có thể thực hiện ngay việc khoan giếng công nghiệp, xây dựng bể lắng lọc và hệ thống cấp nước sạch phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân, về lâu dài thì đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung. Đồng thời, lập quy hoạch tổng thể cung cấp nước sạch cho toàn huyện. Trên cơ sở thực hiện cơ chế xã hội hóa đối với công trình cấp nước sạch đã được xây dựng, nhưng chưa khai thác thì cần khôi phục hoạt động hiệu quả. Từ thực tế, huyện Thạch Thất nên đôn đốc thực hiện ngay giai đoạn 2 tại xã Dị Nậu để đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Về xử lý rác thải sinh hoạt, huyện Thạch Thất nên yêu cầu HTX Thành Công, đơn vị ký hợp đồng vận chuyển rác thải sinh hoạt tại 17/23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký. Các làng nghề Hữu Bằng, Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá, Canh Nậu, Phùng Xá, Dị Nậu, Hương Ngải và những xã ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đang phát triển mạnh cần sớm triển khai dự án thu gom, vận chuyển, chôn lấp rác theo quy định.
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng, yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng điểm chôn lấp rác thải tập trung (10ha) tại xã Lại Thượng (huyện Thạch Thất); các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư... tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp huyện Thạch Thất trong việc thực hiện dự án cấp nước sạch và xử lý rác thải nông thôn... UBND TP đồng ý về nguyên tắc theo đề nghị của UBND huyện Thạch Thất về việc thành lập đơn vị sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ xử lý môi trường trên địa bàn huyện. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.