(HNM) - Là huyện thuần nông, ít ngành nghề nên kinh tế còn gặp khó khăn, Phúc Thọ đã tập trung vào xây dựng nông thôn mới (NTM) chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao đời sống người dân.
Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình xây dựng NTM huyện Phúc Thọ, hiện đã có 21/22 xã được UBND huyện phê duyệt quy hoạch NTM, còn lại 1 xã Liên Hiệp đang hoàn chỉnh quy hoạch chờ phê duyệt xong trong tháng 10-2012. Tổng kinh phí hỗ trợ cho quy hoạch xã NTM là 13,258 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ 8,8 tỷ đồng. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ Hoàng Duy Kiên cho biết, căn cứ vào Quy hoạch chung Thủ đô, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện sẽ lồng ghép quy hoạch NTM. Thị trấn sinh thái Phúc Thọ sẽ trở thành trung tâm thương mại dịch vụ hỗ trợ vùng nông thôn. Ngoài ra, sẽ hình thành một số thị tứ nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và hàng hóa chất lượng, quy mô lớn như Tam Hiệp, Long Xuyên, Võng Xuyên… để tạo đòn bẩy hỗ trợ các xã lân cận cùng phát triển.
Chăm sóc rau muống ở xã Sen Chiểu (Phúc Thọ). |
Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng NTM, BCĐ NTM huyện chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án NTM. Hiện nay đã có 11/22 xã có quyết định phê duyệt đề án NTM, còn lại 11/22 xã phấn đấu phê duyệt xong trong tháng 10-2012. Để nâng cao đời sống cho người dân, các xã lập phương án, quy hoạch các vùng phù hợp để chuyển dịch cơ cấu, đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 720ha đất vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế VAC, với hơn 200 trang trại cho giá trị thu nhập đạt 150-250 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, Phúc Thọ cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như tính chủ động trong chỉ đạo, tạo kinh phí, vận động nhân dân ở một số xã còn hạn chế, tiến độ còn chậm. Một số xã chủ yếu dựa vào đơn vị tư vấn và sự hỗ trợ của phòng ban chuyên môn huyện nên chưa chủ động sáng tạo trong cách làm. Xã điểm NTM Võng Xuyên được phê duyệt 74 dự án, đến nay đã thực hiện được 20 dự án nhưng chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, trường học, trạm y tế… tiến độ xây dựng NTM còn chậm so với yêu cầu. Sau 2 năm thực hiện mô hình thí điểm NTM, xã Võng Xuyên hiện có 10/19 tiêu chí đạt; 4 tiêu chí cơ bản đạt còn 5 tiêu chí chưa đạt. Việc đấu giá đất xen kẹt để tạo vốn đầu tư và huy động vốn trong doanh nghiệp khó thực hiện, còn trông chờ ngân sách thành phố.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên cho biết, để tháo gỡ khó khăn, huyện chỉ đạo các xã nâng cao giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như chuyển đổi nghề, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và đưa nghề mới về cho nhân dân. Bên cạnh những dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang triển khai, Phúc Thọ đề nghị thành phố phê duyệt quy hoạch xây dựng 10 cụm công nghiệp, diện tích khoảng 100ha để thu hút các dự án đầu tư, tạo việc làm cho nông dân. Trong nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, DĐĐT, mở rộng mô hình trang trại, vườn trại, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Hiện tại đã có 19 xã ban hành nghị quyết về DĐĐT; 4 xã chưa ban hành nghị quyết là Vân Phúc, thị trấn Phúc Thọ, Vân Hà, Thượng Cốc do đã cơ bản hoàn thành DĐĐT. Quy hoạch một số vùng trồng cây ăn quả ở Vân Hà; hơn 400ha sản xuất rau ở các xã Thanh Đa, Sen Chiểu, chăn nuôi tập trung ở xã Võng Xuyên, Trạch Mỹ Lộc, Long Xuyên… Phúc Thọ phấn đấu hết năm 2012 thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%, tạo việc làm cho 3.000 lao động nông thôn. Đến năm 2015, có 11 xã, chiếm 50% số xã sẽ đạt tiêu chí NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.