Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Phúc Thọ: Khơi dậy các nguồn lực để phát triển sản xuất

Bài, ảnh: Thúy Nga| 20/05/2011 06:58

(HNM) - Xây dựng NTM ngày càng giàu đẹp, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển ngày càng hiện đại... là những vấn đề được Đảng bộ huyện Phúc Thọ nhiệm kỳ 2010-2015 đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, với xuất phát điểm đặc thù của một huyện thuần nông đòi hỏi Phúc Thọ phải xây dựng lộ trình thích hợp, khơi dậy các nguồn lực để đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM.

Tạo động lực cho phát triển


Đường làng ngõ xóm của xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ đang trên đà đổi thay.


Trước khi chủ trương xây dựng NTM ra đời, huyện Phúc Thọ đã thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế trọng tâm đem lại hiệu quả cao, trong đó phải kể đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Với diện tích đất nông nghiệp (khoảng 7.400ha), chiếm 65,1% diện tích đất tự nhiên, hàng loạt mô hình sản xuất luân canh tăng vụ, nâng cao năng suất, cây trồng, vật nuôi được Phúc Thọ triển khai thực hiện bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực, tăng sản phẩm có giá trị hàng hóa cao. Đến nay, Phúc Thọ đã chuyển đổi được khoảng 600ha, bao gồm 350 trang trại, hơn 500 vườn trại cho giá trị từ 120 đến 150 triệu đồng/hécta/năm. Diện tích chuyển đổi chủ yếu là những vùng trũng, vùng cao cấy lúa bấp bênh, giá trị thu nhập thấp nay chuyển sang mô hình trang trại, vườn trại, kết hợp giữa trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm... Bên cạnh lúa, ngô là hai cây lương thực chủ đạo, Phúc Thọ còn có thế mạnh về sản xuất cây vụ đông và các loại rau, củ, quả. Đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính với diện tích canh tác hằng năm ổn định ở mức 4.200ha, góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Về chăn nuôi cũng không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng sản phẩm. Khai thác lợi thế vùng đất bãi và diện tích đồng cỏ ven sông Hồng, ngoài chăn nuôi gia súc, gia cầm, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa. Đến nay, tổng đàn trâu, bò của huyện có khoảng 6.700 con, đàn lợn có gần 79.000 con, đàn gia cầm có 802.000 con. Riêng về thủy sản, nhờ tận dụng mặt nước ở các ao, đầm, hồ, huyện đã tiến hành nuôi thả cá trên diện tích khoảng 655ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 1.000 tấn cá.

Để các ngành kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, Phúc Thọ đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật nông thôn. Đến nay, hầu hết đường làng, ngõ xóm ở các xã, thị trấn đã bê tông hóa hoặc lát gạch khang trang, sạch đẹp. Hệ thống đê, kè, cống, kênh mương được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để kiên cố hóa, bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống. Nhờ đó, diện mạo nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở huyện Phúc Thọ ngày càng khởi sắc.

Ưu tiên quy hoạch và nâng cao thu nhập

Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng công cuộc xây dựng NTM theo 19 tiêu chí (bộ tiêu chí NTM quốc gia) của Phúc Thọ còn gặp khó khăn, cần phải xây dựng lộ trình thực hiện. Bởi Phúc Thọ là huyện thuần nông, xuất phát điểm về kinh tế thấp nên các nguồn lực cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Phúc Thọ, đến năm 2015, ngoài xã Võng Xuyên làm điểm NTM của huyện, 10 xã (chiếm 50% số xã) trên địa bàn huyện phải hoàn thành việc xây dựng NTM. Hiện nay, cả 11 xã đang tập trung cho công tác quy hoạch.

Một trong những ưu tiên hàng đầu trong xây dựng NTM được huyện Phúc Thọ quan tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, khâu đột phá là đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa và việc này đã hoàn thành làm điểm ở 3 xã Thượng Cốc, Vân Hà, Vân Phúc và đang từng buớc nhân ra diện rộng. Trên cơ sở các vùng rau hiện có, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 430ha thuộc 15 xã của huyện, hiện nay đã xây dựng xong dự án sản xuất rau an toàn trên diện tích 50ha ở xã Thanh Đa với kinh phí 27 tỷ đồng; quy hoạch vùng sản xuất rau muống tiến vua 30ha, hiện đang thực hiện dự án phục tráng loại rau muống trên diện tích 10ha; vùng chăn nuôi tập trung được quy hoạch ở các xã Trạch Mỹ Lộc và Long Xuyên; vùng trồng cây ăn quả ở Vân Hà, vùng nuôi trồng thủy sản ở Long Xuyên, Võng Xuyên, Phụng Thượng, Thọ Lộc, Ngọc Tảo... với tổng diện tích đã chuyển đổi khoảng 600ha.

Ông Đỗ Văn Đức, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho hay, sau những nỗ lực thực hiện, so với bộ tiêu chí NTM quốc gia, đến thời điểm này, tại xã điểm Võng Xuyên, có 9 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, còn lại 10 tiêu chí đang phấn đấu thực hiện. Với 10 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, một số xã cơ bản hoàn thành việc khảo sát, đang tập trung xây dựng đề án để phê duyệt vào cuối quý II.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Phúc Thọ: Khơi dậy các nguồn lực để phát triển sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.