Xã hội

Huyện Phú Xuyên: Tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Bạch Thanh 29/01/2024 - 07:12

Công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quyết định tới việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, huyện Phú Xuyên đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm về giao thông...

du-an-mo-rong-quoc-lo-1a-do.jpg
Dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên) đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đưa công trình sớm về đích, tạo diện mạo đô thị khang trang.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Trong thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã triển khai 23 dự án để phát triển hệ thống giao thông. Điển hình như dự án đường đê sông Hồng, tỉnh lộ 428, 429, quốc lộ 1A đoạn qua khu trung tâm huyện, đường trục phát triển phía Đông, đường Văn Hoàng - Phượng Dực, đường Văn Hoàng - Phú Túc…

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Vũ Văn Hữu, việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án giao thông trọng điểm liên quan đến đất đai của hàng nghìn hộ dân,với nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, bản đồ địa chính các thời kỳ thiếu và có nhiều sai lệch so với hiện trạng sử dụng đất, hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều người dân lấn chiếm đất công, tự ý chuyển mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái phép và chuyển nhượng không đúng quy định, đất giao trái thẩm quyền…, gây khó khăn cho việc hoàn thiện bản đồ giải phóng mặt bằng, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...

Còn theo cán bộ địa chính xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) Lê Việt Cường, nhiều dự án có các thửa đất tiếp giáp nhau, nhưng nhận tiền bồi thường, hỗ trợ chênh lệch rất lớn, thể hiện sự không đồng bộ về chính sách bồi thường. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên cho rằng, giá đất trên thị trường tăng rất nhiều, nhưng tiền bồi thường, hỗ trợ lại quá thấp, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Mặt khác, đối với đất nông nghiệp phải hộ dân trực tiếp sản xuất thì mới được hỗ trợ bằng 5 lần mức bồi thường. Còn những trường hợp chuyển đi nơi khác, cho người khác mượn đất sản xuất không được hỗ trợ cũng gây không ít khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Một khó khăn khác liên quan đến giải phóng mặt bằng là việc thực hiện giải phóng mặt bằng các thửa đất nuôi trồng thủy sản. Ngoài tiền đền bù, hỗ trợ thấp, quá trình giải phóng mặt bằng lại không tính đến diện tích còn lại sau khi thu hồi. Ông Đặng Văn Tiến (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho hay, đối với diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng mục đích là nuôi trồng thủy sản mà diện tích còn lại nhỏ dưới 100m2, thì việc tiếp tục sản xuất là rất khó, bởi chi phí làm bờ vùng, bờ thửa nhiều chưa kể hiệu quả sản xuất sẽ rất thấp.

Ông Nguyễn Quang Khâm (xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên) có đất thuộc diện giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) kiến nghị, việc bồi thường đối với các thửa đất giao trái thẩm quyền từ những năm 1993, 1995… cần xem xét theo hướng công nhận quyền sử dụng đất 100% cho các hộ dân, bởi các hộ dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính từ thời điểm giao đất.

Giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế

Để bảo đảm tiến độ cũng như tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm, huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tập trung giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến công tác đền bù,giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Đồng thời, báo cáo, đề xuất UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên Đỗ Thành Công cho biết, đối với các trường hợp đất giao trái thẩm quyền, cơ quan chức năng nghiên cứu, hướng dẫn địa phương thực hiện và có quy định cụ thể về mức hỗ trợ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người bị thu hồi đất. Còn đối với các thửa đất nông nghiệp sau thu hồi bị hạn chế khả năng canh tác, có phương thức hỗ trợ giải phóng mặt bằng tốt hơn theo hướng hỗ trợ tái thiết sản xuất hoặc thu hồi nốt phần diện tích còn lại… Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải phóng mặt bằng, giúp các đơn vị ứng dụng phần mềm trong lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đồng thời, kết nối số liệu với UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, giúp công tác kiểm đếm, thu hồi, ra quyết định được nhanh chóng, thuận lợi.

Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh, việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất kịp thời là khâu then chốt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, tăng hiệu quả dự án đầu tư. Chính vì vậy, Thường trực Huyện ủy, cấp ủy viên phụ trách xã, thị trấn đã trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ tại các địa phương có dự án trọng điểm để nắm bắt và giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế của cơ sở trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ban Thường vụ Huyện ủy giao UBND huyện xây dựng kế hoạch chi tiết từng năm, tập trung vào các dự án chuyển tiếp, dự án được bố trí vốn và đối với từng dự án chỉ rõ thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Huyện cũng thường xuyên rà soát quy trình, thủ tục về giải phóng mặt bằng, kiến nghị thành phố điều chỉnh, bổ sung, có cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án khó khăn, nhất là về giá đền bù, xác định nguồn gốc đất...

“Đi đôi với tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, huyện thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Phú Xuyên: Tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.