Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Gia Lâm: Tồn tại nhiều vi phạm Luật Đê điều

Trung Nguyên| 15/09/2017 07:10

(HNM) - Do công tác quản lý của một số nơi còn lỏng lẻo nên nhiều vi phạm Luật Đê điều vẫn ngang nhiên tồn tại.



Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Gia Lâm còn tồn tại 43 trường hợp vi phạm, thuộc địa bàn các xã: Trung Mầu, Yên Viên, Phù Đổng, Đông Dư, Dương Hà, Kim Lan và Bát Tràng. Trong đó, có 5 trường hợp xây nhà tạm; 34 trường hợp xây tường rào, lán xưởng, trạm trộn bê tông, tập kết vật liệu xây dựng, đổ phế thải san lấp mặt bằng, tôn nền bãi sông trong hành lang thoát lũ…

Tại địa bàn xã Dương Hà, từ cuối năm 2015, Công ty TNHH Việt Anh đã đổ đất, xây tường, đổ bê tông sân nền, ép 32 cọc bê tông, xây dựng trạm trộn bê tông không phép ở bãi sông, cách chân đê hữu Đuống 700m… Đáng chú ý, đây là khu đất bãi xen canh bờ sông Đuống có tổng diện tích 6,5ha, được UBND xã Dương Hà cho Công ty TNHH Việt Anh thuê từ năm 2014, để sản xuất nông nghiệp. Tháng 6-2016, UBND xã Dương Hà đã thanh lý hợp đồng thuê đất đối với Công ty TNHH Việt Anh. Nhưng đến nay, công ty vẫn chưa bàn giao đất cho chính quyền địa phương. Mặc dù Hạt Quản lý đê số 6, UBND xã Dương Hà, UBND huyện Gia Lâm đã thiết lập hồ sơ, nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Việt Anh giải tỏa công trình vi phạm, nhưng trạm trộn bê tông của công ty vẫn hoạt động. Không những thế, từ ngày 22 đến 24-8, Hạt Quản lý đê số 6, UBND xã Dương Hà phát hiện Công ty TNHH Việt Anh tiếp tục đổ phế thải, đất trạc trên bãi sông hữu Đuống với khối lượng gần 400m3.

Ngoài ra, tại địa bàn các xã Trung Mầu, Kim Lan, Yên Viên, Phù Đổng còn có những công trình vi phạm phát sinh từ năm 2014 trở về trước, được UBND huyện Gia Lâm đưa vào danh sách cần giải tỏa trong tháng 5-2017. Vậy nhưng, thực tế đến nay, các công trình này vẫn tồn tại, hoặc chỉ tháo dỡ một phần. Điển hình là ở bãi sông thuộc tuyến đê tả Đuống, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hoàng Long xây dựng trạm trộn bê tông không phép và các công trình phụ trợ tại khu vực bến bãi của ông Đỗ Như Hiền (xã Phù Đổng). Hạt Quản lý đê số 6, UBND xã Phù Đổng, Đội Thanh tra xây dựng huyện Gia Lâm đã lập biên bản, thiết lập hồ sơ, ra các văn bản xử lý vi phạm. UBND huyện Gia Lâm cũng đã chỉ đạo UBND xã Phù Đổng và cơ quan chức năng giải tỏa vi phạm trước ngày 15-6-2017.

Thế nhưng, theo Hạt Quản lý đê số 6, đến nay Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hoàng Long chỉ tháo dỡ một số cấu kiện chính của hạng mục trạm trộn bê tông, nhưng vẫn để ở bãi sông, còn các hạng mục phụ trợ chưa được giải tỏa. Cũng ở khu vực bãi sông tuyến đê tả Đuống, thuộc địa bàn xã Phù Đổng còn có những công trình vỏ lò gạch, nhà tạm, nhà chứa nguyên liệu, công trình phụ của Công ty cổ phần Xây dựng Nhật Anh... Tại địa bàn xã Kim Lan, trong hành lang thoát lũ của tuyến đê tả Hồng, vẫn tồn tại các công trình lán để máy, lán ở tạm của Công ty cổ phần Xây dựng tập đoàn An Phát, Công ty TNHH Đồng Anh...

Đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể trên địa bàn huyện Gia Lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố đã có nhiều văn bản đề nghị, chỉ đạo, đôn đốc xử lý dứt điểm, đặc biệt là những công trình lò gạch, trạm trộn bê tông không phép xây dựng ở bãi sông. Nhưng thực tiễn cho thấy, việc xử lý, giải tỏa vi phạm Luật Đê điều của UBND các xã và cơ quan chức năng, UBND huyện Gia Lâm thiếu kiên quyết, không dứt điểm. Hiện đang là mùa mưa lũ, những vi phạm trên cần sớm được xử lý dứt điểm nhằm bảo đảm công tác phòng, chống lụt bão.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm: Tồn tại nhiều vi phạm Luật Đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.