(HNMCT) - Tháp Po Klong Garai là cụm tháp đẹp nhất của người Chăm ở vùng Nam Trung Bộ còn được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay. Cụm tháp này có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII - XIV, nằm trọn vẹn trên ngọn đồi Trầu (Khu phố 8, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận). Ngọn tháp mang tên chính vị vua Po Klong Garai (1151 - 1205), trị vì xứ Panduranga (Ninh Thuận ngày nay).
Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, tháp Po Klong Garai vẫn giữ được vẻ đẹp huyền bí cùng lối kiến trúc độc đáo gồm: Tháp chính, tháp cổng ở phía Đông, tháp Lửa ở phía Nam và một đền thờ nhỏ. Các đền tháp tại đây đều được xây bằng gạch với 3 tầng kiểu giật cấp. Đáng nói là các viên gạch được gắn kết với nhau chỉ bằng nhựa cây rái - một loài cây phổ biến ở Vườn quốc gia Núi Chúa.
Tháp chính cao 20,5m, gồm 1 cửa chính và 3 cửa giả. Tháp có nhiều tầng, tầng trên là sự lặp lại của tầng dưới, cứ thế thu nhỏ dần cho đến đỉnh là một trụ đá nhọn với biểu tượng của một linga. Ở các góc tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ gắn tượng thú bằng đá và hình ngọn lửa bằng gạch nung. Cửa chính của tháp mở ra hướng Đông, trên là mái vòm được đỡ bởi 2 trụ đá lớn, mặt trụ khắc chữ Chăm cổ.
Bên trên cửa có bức phù điêu thần Siva đang múa với 8 cánh tay, 2 tay chắp lên đầu cầu nguyện, 6 tay còn lại cầm các vật như dao, chĩa ba, bông sen, chén dầu dừa... tượng trưng cho thiện và ác, biểu hiện lưỡng tính của Siva (thần Hủy diệt và thần Sáng tạo). Bên trong tháp còn có một yoni dài và một linga tròn. Phía trên trụ linga có chạm khắc chân dung vua Po Klong Garai. Ngoài ra còn có một tượng bò Nandin cũng được làm bằng đá. Ba cửa còn lại của tháp chính là cửa giả, mở theo 3 hướng: Nam - Bắc - Tây; mỗi cửa giả có một tượng thần được điêu khắc ở tư thế thiền. Đằng sau tháp chính có một đền nhỏ thờ hoàng hậu Bia Nai Kon - vợ của Po Klong Garai.
Tháp chính nối với tháp cổng bởi một sảnh nối sân. Tháp cổng cao 8,56m, có 2 cửa thông nhau theo hướng Đông - Tây. Tháp cũng được xây theo nguyên tắc càng lên cao càng thu nhỏ dần như tháp chính và được chạm trổ hoa văn tỉ mỉ. Đây là cổng ra vào hành lễ, cúng tế và tiếp đón khách của vua khi xưa. Nằm ở phía Nam cụm tháp còn có tháp Lửa cao 9,31m với 3 cửa hướng Đông, Bắc và Nam thông nhau, riêng phía Nam là cửa sổ. Đặc biệt, cấu trúc tháp được xây theo kiểu hình mái nhà như mái nhà rông ở Tây Nguyên.
Hằng năm, vào ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 9, 10 dương lịch), tại đây thường diễn ra lễ hội Katê, thu hút hàng nghìn người Chăm tham dự. Trong lễ hội có các nghi thức như múa nghi lễ, tấu nhạc dân gian dâng lên vua, hoàng hậu và các vị thần với mong ước mùa màng bội thu, quốc thái dân an... Với những giá trị nổi bật, năm 2016, tháp Po Klong Garai đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.