(HNM) - Làm việc với huyện Ba Vì về chương trình thực hiện nông thôn mới (NTM), Đoàn giám sát của HĐND thành phố do Phó Chủ tịch Lê Văn Hoạt làm Trưởng đoàn đã nhận xét: Tiến độ triển khai xây dựng NTM các xã còn chậm, kết quả đạt thấp. Đến thời điểm này, xã Cổ Đô, đơn vị làm điểm của huyện mới đạt 14/19 tiêu chí, mới có 15 xã đạt từ 5 đến 10 tiêu chí, còn 9 xã chỉ đạt từ 3 đến 4 tiêu chí. So với các huyện khác, Ba Vì thuộc nhóm đạt thấp, quá trình triển khai còn nhiều lúng túng.
Đến nay, huyện Ba Vì mới giao tại thực địa được 450ha, trên kế hoạch năm 2012 là 500ha, trong khi diện tích phải dồn điền đổi thửa (DĐĐT) rất lớn, tới 4.190ha, trong đó xã điểm Cổ Đô dồn được 150ha, đạt 50% kế hoạch, 300ha còn lại rải rác ở các xã Tản Hồng, Minh Châu, Minh Quang... Hiện Ba Vì mới phê duyệt phương án DĐĐT được 2 xã, 6 xã đang hoàn thiện phương án, 17 xã đã đo đạc các vùng chuyển đổi, 4 xã mới dừng ở khâu rà soát, thống kê nhân khẩu phục vụ cho DĐĐT. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho rằng, nguyên do là hiện trạng đất nông nghiệp của các xã không đồng đều, nhiều vùng đất trũng chưa chuyển đổi được, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, nhiều xã cán bộ có tư tưởng ngại khó, không muốn chia lại ruộng đất do trước đây đã được nhận ruộng ở vị trí thuận lợi, việc đo đạc hiện trạng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do chưa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền và chỉ đạo quyết liệt nên công tác DĐĐT của Ba Vì khá trì trệ, hiện vẫn còn tình trạng một hộ có từ 15 đến 20 thửa ruộng khiến việc thâm canh tăng năng suất và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa cũng như thực hiện cơ giới hóa rất khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính kìm hãm phát triển nông nghiệp của Ba Vì. Năm 2012 giá trị thu nhập trên một hécta canh tác của huyện chỉ đạt 73,5 triệu đồng; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp không đạt kế hoạch đề ra.
Sau hơn hai năm xây dựng NTM, nhiều tiêu chí ở huyện Ba Vì còn đạt rất thấp và chưa đạt như tiêu chí giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất, văn hóa, môi trường… Đặc biệt, khâu tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa của Ba Vì còn rất chậm. Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Lê Văn Minh, hiện số HTX hoạt động hiệu quả rất ít, có tới 30% HTX yếu kém, trong đó có 10% số HTX xin giải thể. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của Ba Vì còn khá cao, tới 9,78%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên mới đạt 32,5%. Đáng quan tâm là kết thúc giai đoạn 2010-2012, việc tổ chức thực hiện các tiêu chí phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của Ba Vì còn đạt thấp. Về giao thông, huyện Ba Vì mới bê tông hóa được 126,69km đường trục xã, đạt 42,61% kế hoạch, 10,8km đường thôn xóm, chỉ đạt 2,29%, 42,47km đường trục chính nội đồng, đạt 9,24% kế hoạch. Về thủy lợi, huyện Ba Vì xây dựng mới và nâng cấp 4 trạm bơm, đạt 10,8% kế hoạch, kiên cố hóa được 78,47km kênh mương, đạt 9,97% kế hoạch.
Phân tích và làm rõ những hạn chế trong xây dựng NTM ở huyện Ba Vì, một số thành viên trong Đoàn giám sát NTM của HĐND thành phố cho rằng, Ba Vì còn tư tưởng trông chờ quá nhiều vào nguồn ngân sách hỗ trợ của thành phố nên việc huy động nguồn vốn rất khó khăn. Hiện tại việc đầu tư cho NTM chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách thành phố (chiếm tới 88,4%), các nguồn vốn khác chiếm 11,6%, chưa huy động được vốn từ ngân sách xã và đặc biệt chưa huy động được sự đóng góp từ doanh nghiệp và người dân. Các xã chủ yếu trông chờ vào việc đấu giá đất nhưng do thị trường bất động sản chìm lắng nên không có vốn đối ứng cho xây dựng NTM. Bên cạnh đó, việc thực hiện nhóm tiêu chí được coi là cần ít kinh phí như môi trường, văn hóa… cũng triển khai chậm, kết quả đạt thấp. Sau hơn hai năm triển khai xây dựng NTM nhiều xã ở Ba Vì vẫn loay hoay ở bước xây dựng đề án, lập dự án, tập trung vào một số công trình xây dựng cơ bản mà chưa thực sự triển khai bài bản, quyết liệt nên tiến độ đạt thấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.