(HNMO) – Tính đến 20/9/2016, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,02% trong khi tăng trưởng tín dụng là 10,46%.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9, tính đến thời điểm 20/9/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,76% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 8,88%).
9 tháng, tín dụng tăng trưởng khá chậm (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Đáng chú ý, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,02% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,9%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,46% (cùng kỳ năm trước tăng 10,78%). Như vậy, huy động vốn tăng nhanh hơn cho vay khá nhiều.
Số liệu trên cho thấy tín dụng tăng khá chậm, còn cách mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2016 là 18-20% khá xa. Tính ra, trong ba tháng còn lại của năm, mỗi tháng tín dụng cần tăng bình quân ít nhất 2,5%. Điều này hy vọng là đạt được bởi tín dụng thường tăng cao vào những tháng cuối năm khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp gia tăng vào thời điểm này.
Cũng theo Tổng Cục Thống kê, lãi suất huy động hiện nay tương đối ổn định (chỉ tăng khoảng 0,2%-0,3% trong khoảng thời gian từ giữa tháng 2 đến tháng 3/2016).
Liên quan đến lãi suất, gần đây nhất, nhằm tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, từ 26/9, các ngân hàng thương mại quốc doanh là Vietcombank, BIDV, Vietinbank đã đồng loạt giảm lãi suất huy động ở mức 0,3-0,5%/năm đối với các kỳ hạn dưới 1 năm.
Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng tại các ngân hàng này là 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng là 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng được hưởng lãi suất 5,3%/năm, kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng có lãi suất 5,5%/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.