Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động tổng lực ứng phó bão số 1

Hiền Lương| 28/07/2016 07:09

(HNM) - Với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 12, chiều tối 27-7, bão số 1 (tên quốc tế là Mirinae) đi sâu vào đất liền các tỉnh ven biển Đồng bằng Bắc Bộ. Trong ngày, các địa phương vùng ảnh hưởng đã huy động tổng lực ứng phó.


Nhiệm vụ số một

Ngày 27-7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo hoạt động ứng phó với bão số 1 tại Thái Bình, Hải Phòng. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Phó Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ số một là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Do đó, phải khẩn trương di dời người dân khỏi các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Tại các công trình xây dựng, chằng chống, gia cố để phòng tránh tai nạn, đồng thời tỉnh phải tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, chủ động chống úng, bảo vệ hoa màu. Tính đến chiều 27-7, tỉnh Thái Bình đã kêu gọi 100% tàu, thuyền trú tránh ở khu vực an toàn.

Lực lượng bộ đội giúp người dân đưa tàu thuyền về trú bão tại cảng cá Ngọc Hải - Đồ Sơn (Hải Phòng)



Kiểm tra khu vực cảng cá Ngọc Hải, đê biển Hải Thành, quận Đồ Sơn (Hải Phòng), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, các lực lượng của thành phố phải huy động tổng lực, tập trung bảo đảm an toàn cho người dân, đưa các phương tiện vào nơi neo đậu an toàn. Cũng trong ngày, TP Hải Phòng đã chỉ đạo cấm biển và đã di dời 7.228 người ra khỏi khu vực nguy hiểm, kêu gọi 2.551/9.268 tàu, thuyền về bờ an toàn.

Tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình trong ngày 27-7, công tác ứng phó với bão số 1 rất khẩn trương. Tỉnh Nam Định đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa; rà soát tất cả các lực lượng lao động ở vùng cửa sông, ven biển, chòi canh, yêu cầu vào bờ. Hơn 3.000 người đang sinh sống ở các nhà tạm, tỉnh đã yêu cầu sơ tán người già, trẻ em, phụ nữ sang các nhà kiên cố để bảo đảm an toàn. Tỉnh Quảng Ninh trong ngày có cuộc họp khẩn và yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động triển khai biện pháp ứng phó nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Từ 8h sáng 27-7, Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh đã ngừng cấp phép đối với tàu khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long. Tất cả 553 tàu chở khách tham quan trên vịnh đã di chuyển về điểm trú tránh.

Hà Nội sẵn sàng các biện pháp chống úng ngập


Nhận định bão số 1 có khả năng gây mưa lớn, làm úng ngập khu vực nội thành và ảnh hưởng đến lúa, hoa màu khu vực ngoại thành (hôm nay 28-7, dự báo lượng mưa khoảng 100-200mm), Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai TP Hà Nội đã triển khai quyết liệt các phương án ứng phó. Theo đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị rà soát các trọng điểm đê điều, công trình thủy lợi xung yếu, các công trình đang thi công; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ”; chủ động ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa bão. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn trật tự trị an khi có tình huống xảy ra…

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đến 15h ngày 27-7, đã tổ chức ứng trực 24/24 giờ, bố trí 100% lực lượng trực tại các vị trí trọng điểm theo phương án thoát nước mùa mưa 2016; rà soát phương tiện, thiết bị, kho vật tư phòng chống lụt bão, bảo đảm sẵn sàng xử lý sự cố. Trước đó, Công ty đã yêu cầu Xí nghiệp Cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở và các xí nghiệp thoát nước địa bàn hạ mực nước hồ điều hòa, dỡ bỏ công trình cản trở dòng chảy trên mương, sông thoát nước. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực xử lý cây xanh gãy, đổ do mưa bão.

Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong ngày 27-7, các công ty thủy lợi và quận, huyện, thị xã sẵn sàng vận hành 2.429 máy bơm tiêu chống úng ngập cho 97.280ha diện tích lúa mùa mới cấy; đồng thời tiêu kiệt nước đệm nội đồng; khơi thông kênh mương, tạo dòng chảy thông thoáng...

Chủ động trước tình trạng ngập lụt có thể xảy ra

(HNM) - Ngày 27-7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1314/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó với bão số 1. Theo đó, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa khẩn trương hoàn thành việc kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trong vịnh Bắc Bộ vào nơi trú tránh; hướng dẫn, sắp xếp việc neo đậu; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, quyết định việc cấm biển, kể cả đối với tàu vận tải và tàu du lịch. Các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án bảo đảm an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch. Các tỉnh miền núi phía Bắc sẵn sàng, chủ động triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở; tổ chức kiểm soát phương tiện giao thông trên sông; hướng dẫn người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huy động tổng lực ứng phó bão số 1

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.