Đô thị

Hà Nội sẵn sàng ứng phó bão số 1

Kim Nhuệ 18/07/2023 - 08:53

Dự báo hôm nay (18-7), trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6, bắt đầu đợt mưa lớn trên diện rộng. Các đơn vị, địa phương của Hà Nội đã hoàn thành công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Hà Nội mưa to, gió mạnh

bao-1185.jpg
Hướng di chuyển của bão số 1 lúc 4 giờ sáng nay (18-7).

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 4 giờ sáng nay (18-7), bão số 1 nằm trên khu vực phía Đông Bắc của vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) khoảng 140km về phía Đông Đông Nam; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. Hiện bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi khoảng 20km và suy yếu dần. Đến 16 giờ chiều nay, bão vào đất liền các tỉnh thuộc phía Đông Bắc của khu vực Bắc Bộ; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9. Thời gian tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi khoảng 20-25km vào sâu đất liền, tiếp tục suy yếu và tan dần. Đến 4 giờ sáng 19-7, bão tan dần trên đất liền các tỉnh miền núi phía Bắc.

Do ảnh hưởng của bão nên vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13-14; biển động dữ dội. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình có gió giật cấp 8.

Ngoài gió mạnh, sóng lớn, từ ngày 18 đến 19-7, các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, Việt Bắc mưa to đến rất to; lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi cao hơn 350mm. Khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ mưa to; tổng lượng mưa 100-200mm. Tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm. Các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Còn Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ dự báo, từ sáng nay, tại thành phố Hà Nội, gió sẽ mạnh dần lên cấp 4-5, giật cấp 6. Từ sáng nay đến chiều 19-7, thành phố Hà Nội có mưa, mưa vừa, sau mưa to đến rất to và dông có thể kèm lốc, sét, gió giật mạnh. Tổng lượng mưa tại khu vực trung tâm và phía Bắc thành phố 80-150mm, có nơi cao hơn 200mm, phía Tây và phía Nam 70-120mm, có nơi cao hơn 150mm. Cơ quan trên cảnh báo, từ đêm 19 đến ngày 20-7, thành phố có mưa rào và dông rải rác, lượng mưa phổ biến 10-20mm. Cơ quan phòng, chống thiên tai và người dân Thủ đô đề phòng nguy cơ ngập úng tại các đô thị.

Sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố, các đơn vị, địa phương của Hà Nội đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó các tình huống do bão số 1 gây ra.

thuong-tin.jpg
Cán bộ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thường Tín kiểm tra nhà nguy hiểm ở xã Ninh Sở, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân.

“Ngay sau cuộc họp ứng phó bão số 1 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã tổ chức hai đoàn kiểm tra, rà soát tình hình chuẩn bị ứng phó tại 2 công trình trọng điểm tiêu úng là Trạm bơm Yên Nghĩa và Trạm bơm Yên Sở...”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội Phạm Quang Đông thông tin.

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã tổ chức đoàn kiểm tra, rà soát những khu dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; kiểm tra các trọng điểm, xung yếu về đê điều, hồ đập, các công trình thủy lợi, tiêu thoát nước...

vat-tu.jpg
Hạt Quản lý đê Phúc Thọ - Sơn Tây kiểm tra vật tư, sẵn sàng triển khai phương án hộ đê.

“Huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thường trực 24/24h tại Văn phòng Ban Chỉ huy và trên các điếm canh đê để tổ chức kiểm tra, chỉ đạo khơi thông hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư, nội đồng, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp... Các xã chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang, sông Tích tổ chức rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân ở khu vực ngoài đê; chuẩn bị dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa, nhu yếu phẩm, bảo đảm đời sống nhân dân khi sơ tán...”, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho hay.

thoat-nuoc.jpg
Các doanh nghiệp thoát nước khơi thông hệ thống, sẵn sàng ứng phó các trận mưa lớn.

Cùng với địa phương, các công ty công viên cây xanh, thoát nước thành phố đã triển khai chế độ ứng trực mưa bão: Huy động lực lượng, phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể kiểm tra phát hiện và kịp thời cắt tỉa cành cây, chặt hạ cây xanh có nguy cơ gãy đổ...

“Từ 7 giờ ngày 17-7, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội triển khai chế độ ứng trực bão, huy động 200 xe, máy, thiết bị sẵn sàng nạo vét, tua vớt rác, duy trì thường xuyên hệ thống cống rãnh, hạ mực nước đệm trên các sông, hồ điều hòa ở mức khống chế sẵn sàng đón các trận mưa lớn...”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh cho biết.

van.jpg
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy vận hành thử Trạm bơm tiêu úng Cao Xuân Dương.

Tương tự, các công ty thủy lợi của thành phố hoàn thành công tác kiểm tra hiện trạng công trình, sẵn sàng vận hành 340 trạm bơm tiêu với tổng công suất khoảng 4 triệu mét khối trên giờ, ứng phó các trận mưa có cường độ hơn 300mm trong 3 ngày; mở các cống tiêu tự chảy, linh hoạt tiêu nước đệm nội đồng...

“Công ty đã chỉ đạo các xí nghiệp tập trung tiêu nước đệm tại các tiểu vùng có hệ số năng lực tiêu thấp, các vùng đang triển khai dự án đầu tư xây dựng trạm bơm tiêu, các vùng chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang... Các xí nghiệp đã huy động 100% quân số thường trực tại các trọng điểm tiêu úng, công trình có nguy cơ mất an toàn để sẵn sàng vận hành công trình, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, kịp thời xử lý sự cố...”, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sẵn sàng ứng phó bão số 1

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.