(HNM) - Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 05-CT/TƯ (ngày 23-6-2021) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Chỉ thị không chỉ nêu rõ những hạn chế cần khắc phục mà còn đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Dư luận đánh giá, đây là những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, thiết thực, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để chung tay xóa đói, giảm nghèo bền vững...
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương:
Thực hiện đồng bộ những giải pháp trợ giúp người nghèo và đối tượng yếu thế
Trong 5 năm gần đây, thành phố Hà Nội hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hơn 5.600 hộ nghèo, cận nghèo. Thành phố đã yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ những giải pháp trợ giúp người nghèo và đối tượng yếu thế. Chuẩn nghèo của Hà Nội cũng được điều chỉnh theo hướng tăng cao, tạo điều kiện mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TƯ, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống. Với nguồn lực không ngừng tăng lên và những nỗ lực trong tổ chức thực hiện, công tác an sinh xã hội ở Hà Nội sẽ ngày càng được bảo đảm tốt hơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà:
Hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với người nghèo
Để phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo" theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Ban Bí thư, Quận ủy Thanh Xuân sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Bên cạnh đó, Quận ủy vận động, khuyến khích doanh nghiệp và đơn vị liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với người nghèo, đặc biệt là huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn:
Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái"
Những năm qua, công tác giảm nghèo của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, như Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Ban Bí thư đã nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn... Triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư trong Chỉ thị số 05-CT/TƯ, huyện Phúc Thọ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái". Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ:
Xây dựng các mô hình hộ gia đình thoát nghèo, làm kinh tế giỏi
Bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cấp ủy Đảng, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội… Đặc thù ở khu vực nông thôn, cơ hội tìm việc làm thêm để tăng thu nhập thường ít hơn khu vực thành phố. Vì vậy, các hộ nghèo rất cần chính quyền địa phương xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, làm kinh tế giỏi tiêu biểu... để học tập, trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo mở rộng sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thuân, phường Liễu Giai, quận Ba Đình:
Hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lao động
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, tôi đã được tạo điều kiện vay vốn, hướng dẫn và bố trí điểm bán hàng ăn sáng để có thêm thu nhập. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, đoàn thể, tổ chức xã hội… tinh thần “tương thân, tương ái” và việc động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất là động lực quan trọng giúp họ chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.