(HNMO) - Ngày 26-8, Bộ Tư pháp phối hợp UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo "Nâng cao năng lực, chủ động về tài chính - ngân sách và thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cho Thủ đô”.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn; Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến chủ trì hội thảo.
Thiếu hụt nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển ở mức cao
Theo tính toán của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội và nhóm chuyên gia, tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cụ thể, giai đoạn 2011-2016 là 42%, giai đoạn 2017-2021 giảm còn 35%; năm 2022 giảm còn 32%.
Thiếu hụt về ngân sách ảnh hưởng tới các khoản chi thường xuyên và chi cho phát triển.
Tình hình thiếu nguồn lực, đặc biệt là từ vốn ngân sách nhà nước còn trầm trọng hơn nếu nhìn từ nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, xây dựng các kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong các chiến lược phát triển của Thủ đô. Năm 2022, mức thiếu hụt về nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển dự báo khoảng 59% và 49% vào năm 2025. Tính chung cả giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển là 650 nghìn tỷ đồng, song khả năng đáp ứng của ngân sách chỉ là 284,1 nghìn tỷ đồng, với mức thiếu hụt là 365,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 56% tổng nhu cầu chi.
Nếu không có cơ chế đột phá, năng lực ngân sách nhà nước của Thủ đô sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo dự toán chi và nhu cầu chi trong giai đoạn tới, đặc biệt là nhu cầu chi cho đầu tư phát triển.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Tiến Thiết cho biết, không chỉ thiếu hụt nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển ở mức cao, một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù còn bị ràng buộc bởi các quy định khác của pháp luật liên quan hoặc khi triển khai còn phụ thuộc vào các cơ quan Trung ương nên thành phố chưa dự báo được khoản thu từ bán tài sản công của các cơ quan, đơn vị Trung ương; nguồn hỗ trợ từ Trung ương trong giai đoạn vừa qua còn rất hạn hẹp, chưa đảm bảo chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Thủ đô.
Huy động nguồn lực cho phát triển Thủ đô
Giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đầu tư các dự án công trình giao thông trọng điểm với tổng mức khoảng 207 nghìn tỷ đồng và triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị. Đây là các dự án quan trọng cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường liên kết vùng, kết nối vùng và đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Vì vậy, ông Nguyễn Tiến Thiết đề xuất, để phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, Hà Nội cần được giữ ổn định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố trong 10 năm. Quy định mức phụ thu tăng thêm tối đa 50% trên mức thuế hoặc thuế suất do Quốc hội quy định ở một số sắc thuế gián thu đối với một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố để điều tiết tiêu dùng một số hàng hóa, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc hàng hóa, dịch vụ cần thiết, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
“Cũng cần nghiên cứu áp dụng thí điểm việc thu thuế tài sản đối với diện tích nhà ở tại các khu đô thị đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng, sẽ giới hạn phạm vi tác động, giúp điều tiết thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ”, ông Nguyễn Tiến Thiết đề xuất.
Ở góc nhìn khác, GS.TS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu quan điểm, Hà Nội là siêu đô thị. "Điều quan trọng nhất là Hà Nội phải có chính sách đất đai riêng, ngay trong Luật Thủ đô, đặc biệt là chính sách thuế. Nếu không, không có động lực phát triển", GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân cùng cho rằng, Hà Nội cũng cần đẩy mạnh kinh tế số, phát triển kinh tế ban đêm để tăng nguồn thu bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn khẳng định các ý kiến tham luận, thảo luận đã chỉ ra những bất cập từ thực tiễn thi hành các quy định về cơ chế tài chính - ngân sách của Thủ đô. Nhiều kiến nghị, đề xuất mang tính xây dựng cao, thiết thực. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc và rất tâm huyết của các bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thi hành quy định pháp luật về Thủ đô.
Đồng chí Lê Hồng Sơn mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng thành phố xây dựng tiền đề nâng cao năng lực, chủ động về tài chính - ngân sách và thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cho Thủ đô, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Một số đề nghị của Sở Tài chính Hà Nội về các quy định của Nghị quyết số 115/2020/QH14 cần luật hóa
- Được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp như: Phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
- Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.
- Được quyết định tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã có quyết định phê duyệt dự án và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thời gian mỗi khoản tạm ứng không quá 36 tháng kể từ ngày tạm ứng. Tổng các khoản tạm ứng này tại một thời điểm không quá 50% số dư Quỹ dự trữ tài chính của thành phố Hà Nội đến ngày 31-12 năm trước.
- Mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.