Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động các nguồn lực, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô

Việt Tuấn| 25/06/2015 06:09

(HNM) - Ngày 24-6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình công tác số 03-CTr/TU về

20 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 03 đã được Ban Thường vụ Thành ủy tặng Bằng khen.


Báo cáo của BCĐ nêu rõ, Chương trình 03 ra đời trong điều kiện kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, sản xuất kinh doanh đình trệ... Cùng với đó là những khó khăn, thách thức riêng của Thủ đô trong giai đoạn ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính như cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu, chênh lệch về mức độ phát triển, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng còn khá lớn...

Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng nhất trí, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, cùng với sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân Thủ đô, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 03, TP Hà Nội đã đạt được những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.600 USD, gấp 1,8 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm dần nông nghiệp. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá hàng tiêu dùng giảm nhanh từ 17,1% năm 2011 xuống còn khoảng 6,3% năm 2015. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung cho đầu tư phát triển.

5 năm qua, Hà Nội đã huy động đầu tư xã hội trên 1.400 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần giai đoạn 2006-2010; thu hút hơn 1.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký 5,2 tỷ USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 ước đạt 714,5 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 7,1%/năm; đóng góp gần 21% ngân sách cả nước.

Việc hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng được quan tâm, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh ở từng địa phương và trong toàn vùng. An sinh xã hội được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa - y tế - giáo dục tiếp tục phát triển mạnh. Hà Nội dẫn đầu cả nước về y tế, giáo dục chất lượng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được củng cố tăng cường.

Thủ đô là địa chỉ tin cậy để tổ chức các sự kiện lớn trong khu vực và thế giới và là điểm du lịch ngày càng hấp dẫn trong mắt bạn bè và du khách. Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc vai trò là một trong hai "đầu tàu kinh tế" của đất nước và là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Hà Nội đóng góp hơn 40% GDP vùng Đồng bằng sông Hồng và gần 50% GDP vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, việc thực hiện Chương trình 03 đạt được những kết quả nổi bật, từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, theo hướng xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2015, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế, phấn đấu 6 tháng cuối năm 2015 tăng trưởng đạt từ 10 đến 11%.

Về dài hạn, TP Hà Nội xác định nhiệm vụ số một vẫn là huy động nguồn lực, lợi thế so sánh, tiềm năng để nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, tiếp tục chú trọng phát triển công nghệ cao; đẩy mạnh dịch vụ chất lượng cao; phát triển nông nghiệp sạch. Ngoài ra, thành phố cũng nâng cao sức cạnh tranh ở 3 cấp chính quyền, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực thực thi, tăng tính nhạy bén với thị trường và độ nhạy trong ứng xử của chính quyền với doanh nghiệp; tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác, hội nhập trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng vào phát triển du lịch.

Để làm được những điều trên, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ, Nhà nước phải là chủ thể tạo "sân chơi" thông qua cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; tăng cường nghiên cứu thị trường, giúp doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh bằng ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành sản phẩm. Hà Nội cũng sẽ chú trọng đến khối doanh nghiệp vừa và nhỏ có chiến lược vươn lên, làm ăn lâu dài.

Nhân dịp này, Thành ủy đã biểu dương, khen thưởng 20 đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 03. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huy động các nguồn lực, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.