Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng về cơ sở, bảo vệ người lao động

Linh Nhi| 30/04/2012 06:32

(HNM) - Hiện nay, nước ta có khoảng 13,2 triệu công nhân, viên chức, lao động, chiếm tỷ lệ 14,6% dân số và 28% lực lượng lao động xã hội, trong đó số công nhân lao động (CNLĐ) làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế là hơn 9,5 triệu người.


Tính đến cuối năm 2011, tổng số đoàn viên Công đoàn (CĐ) cả nước là hơn 7,5 triệu người. Sau Đại hội XI của Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang thúc đẩy chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế...


Phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo thu hút được đông đảo CNLĐ tham gia. Ảnh: Nguyệt Ánh - Huy HÙng

Đối mặt với thách thức

Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, giữ vai trò tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước. Giai cấp công nhân đang gia tăng nhanh chóng về số lượng, đa dạng về cơ cấu, đội ngũ công nhân trí thức ngày càng đông đảo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng suy thoái kinh tế hiện nay, CNLĐ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tiền lương, thu nhập thấp, đời sống tinh thần nghèo nàn. Theo khảo sát mới đây đối với hơn 2.200 lao động tại 30 DN thuộc 11 tỉnh, thành phố, 3,4% NLĐ có mức lương tháng dưới 1 triệu đồng; 15,1% NLĐ có mức lương 1-1,5 triệu đồng; 24,1% NLĐ có mức lương trên 1,5 - 2 triệu đồng; chỉ có 16,5% NLĐ có mức lương 2,5 -3 triệu đồng và 24,6% NLĐ có mức lương trên 3 triệu đồng.

Thông tin từ Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, quý I vừa qua, bên cạnh giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, NLĐ còn phải gánh chịu tình trạng nợ lương, chậm thanh toán tiền lương, đặc biệt ở một số DN ngành xây dựng, giao thông - vận tải… Tình trạng DN vi phạm pháp luật, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ tiếp tục xảy ra ở rất nhiều DN. Số nợ BHXH năm qua lên tới trên 5,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,66% so với số phải thu. Riêng số nợ BHXH từ 6 tháng trở lên là trên 1,6 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, vấn đề nhà ở cho CNLĐ vẫn là nhu cầu rất bức xúc. Sau hai năm thực hiện chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân KCN, đến nay đã có 110 dự án được các địa phương đăng ký, ước tính giải quyết nhà cho khoảng 960.000 người, nhưng mới chỉ có 25 dự án được khởi công, 9 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Phần lớn NLĐ vẫn phải đi thuê nhà và phải sống trong các khu nhà chật chội, tạm bợ. Chưa kể việc thực hiện chính sách tiền lương cho NLĐ chưa đúng quy định diễn ra ở nhiều nơi. Tại tỉnh Sơn La, giáo viên ở một số huyện vẫn phải nhận lương tính theo mức lương tháng tối thiểu 730.000 thay vì mức 830.000. Tại một huyện của tỉnh Thanh Hóa, hàng chục cô giáo mầm non phải bỏ việc vì mức lương chỉ 500.000 đồng/tháng.

Khó khăn nối tiếp khó khăn, riêng trong quý I-2012, cả nước có hàng ngàn DN phá sản, ngừng sản xuất. Tại Hà Nội, thống kê chưa đầy đủ cho thấy có tới hơn 4.700 CNLĐ có đơn xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp, còn con số CNLĐ mất việc, thiếu việc làm cũng tới hàng ngàn. Ông Đặng Văn Thọ, Chủ tịch CĐ ngành xây dựng Hà Nội cho biết, 100% đơn vị xây dựng, sản xuất vật liệu của ngành đã phải tạm dừng sản xuất, hơn 300 cán bộ, CNVC và hàng ngàn lao động phải nghỉ việc. Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch CĐ các KCN &CX chia sẻ, nhiều đơn vị ở KCN thu hẹp sản xuất, cắt giảm hàng trăm lao động. CĐ KCN đã nỗ lực để ngăn chặn hàng ngàn CNLĐ ở nhiều DN đình công vì bức xúc lương, thưởng.

Điều đáng mừng là, trong bộn bề khó khăn, thách thức, nhưng phần lớn CNLĐ vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp CNH, HĐH. Trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm đến nay không có vụ đình công nào. Chưa bao giờ phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo lại phát triển rầm rộ và thu hút được đông đảo CNLĐ tham gia như hiện nay. Năm qua đã có hàng chục ngàn CNLĐ đạt danh hiệu Công nhân giỏi với hàng ngàn đề tài sáng kiến, mang lại giá trị hàng tỷ đồng cho DN.

Chăm lo trước mắt, hướng tới lâu dài


Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về chăm lo thiết thực cho NLĐ, các cấp CĐ trong cả nước đang nỗ lực tạo đột phá theo hướng hỗ trợ CNLĐ khắc phục những khó khăn trước mắt, đồng thời có chương trình chăm lo phát triển giai cấp công nhân tiến theo xu thế thời đại. LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp CĐ vận động 65.000/67.000 chủ nhà trọ không tăng giá tiền thuê nhà và thực hiện bán giá điện theo đúng giá sinh hoạt cho CNLĐ; vận động các DN có trên 50 công nhân chủ động tăng tiền lương từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng/tháng, hỗ trợ trượt giá từ 100.000 đến 500.000 đồng/tháng, các loại phụ cấp và tăng chất lượng bữa ăn ca từ 3.000 đến 5.000 đồng, hỗ trợ tiền nhà ở từ 100.000 đến 300.000 đồng/tháng. LĐLĐ Bình Dương quyết liệt giám sát, đôn đốc việc thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể ở các DN; vận động các DN nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca; nâng lương định kỳ cho người lao động…

Các tháng đầu năm 2012, nhiều ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Quỹ trợ vốn CNLĐ nghèo phát triển kinh tế. LĐLĐ Bà Rịa - Vũng Tàu giải quyết cho 2.508 lượt CNLĐ vay với tổng số tiền 17,5 tỷ đồng. LĐLĐ Quảng Bình thu hồi 3 dự án vốn vay đến hạn, làm thủ tục cho vay luân chuyển 2 dự án trị giá 200 triệu đồng...

Một "điểm nhấn" quan trọng là sau một năm CĐ thực hiện hiệu quả "Tháng Công nhân" (tháng 5-2011), với chương trình hành động "Cùng công nhân vượt khó", "Chăm lo đời sống công nhân" nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà, giúp CNLĐ nghèo phát triển kinh tế... Ban Bí thư đã đồng ý lấy tháng 5 hằng năm là "Tháng Công nhân". Theo đó, ngoài tổ chức CĐ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm phối hợp hướng về cơ sở chăm lo, bảo vệ CNLĐ.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, mặc dù mặt bằng chung về trình độ học vấn và trình độ nghề nghiệp chuyên môn của CNLĐ những năm qua có tăng lên, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH. Tình trạng khan hiếm lực lượng lao động chất lượng cao vẫn diễn ra phổ biến. Vấn đề bức xúc nhất là chất lượng CNLĐ Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Chất lượng giáo dục, đào tạo chưa cao, đào tạo chưa gắn chặt với nhu cầu của sản xuất, của thị trường lao động. Có thể thấy rõ tình trạng phân bổ nguồn lực lao động chưa hợp lý, lao động trình độ cao chủ yếu tập trung trong khu vực nhà nước, ở các thành phố lớn. Thể lực, tình trạng sức khỏe của CNLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu, tác phong làm việc còn yếu, khả năng thích ứng trong môi trường cạnh tranh kém. Khả năng cạnh tranh của lao động thấp đã hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Nhà nước đã có chính sách khuyến khích DN tham gia dạy nghề, đồng thời cần tập trung cải cách hệ thống đào tạo theo hướng tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa, gắn với nhu cầu của sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động. Để phát huy hiệu quả công tác này, cần sớm có quy định đưa nội dung phổ biến Bộ luật Lao động, Luật CĐ và Luật DN vào nội dung, chương trình đào tạo nghề, nhằm tri thức hóa giai cấp công nhân, thực sự đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.

Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Trần Văn Thực:
Thiết thực chăm lo cho CNLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, LĐLĐ TP đã tham gia giúp 8.000 CNLĐ an cư; chỉ đạo CĐ các quận, huyện xây dựng nhà ở cho hàng ngàn CNLĐ, tập trung chỉ đạo các cấp CĐ xây dựng được hàng chục điểm sinh hoạt văn hóa công nhân các KCN, xây dựng tổ tự quản khu nhà trọ công nhân và tổ chức hàng loạt chương trình giao lưu, đối thoại, nâng cao đời sống tinh thần, kiến thức pháp luật cho CNLĐ...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng về cơ sở, bảo vệ người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.