(HNMCT) - Dịch Covid-19 có ý nghĩa tích cực nhất định khi cảnh tỉnh con người về những bất ổn tương tự có thể xảy ra trong tương lai, từ đó có sự thay đổi về lối sống, cách ứng xử, chuẩn bị về tâm thế và điều kiện mọi mặt để sẵn sàng đối mặt với thử thách. Có thể thấy khá rõ về điều này qua lĩnh vực du lịch, nơi mà trong và sau đại dịch đã có sự chuyển biến rõ nét về xu hướng lựa chọn điểm đến của du khách, phản ứng của chính phủ các quốc gia cũng như sự điều chỉnh của phía cung cấp dịch vụ.
Những ngày cao điểm du lịch hè đã bắt đầu ở Việt Nam. Cuối tuần qua, một cư dân ở khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) - được mệnh danh là “thành phố xanh” - đã gửi một tấm ảnh chụp đoàn xe ô tô chen chúc trên con đường nội khu trước cửa nhà mình cho bạn bè. Một tấm ảnh có ý hài hước, “sắp đông đúc như Thủ đô”, nhưng cũng hàm chứa tâm lý lo lắng rằng, rồi đây, “nơi đáng sống của mình” có thể đối diện với bầu không khí xô bồ đầy khói bụi và âm thanh thay vì giữ được vẻ bình yên như hiện tại.
Sự lo lắng của cư dân tại các điểm đến là điều dễ hiểu. Nhưng, du khách dường như ít quan tâm tới điều đó. Họ đến những nơi mà mình thích, tận hưởng cảm giác thoải mái ở điểm đến mới lạ. Xuất hiện xu hướng du lịch gần, du lịch ngắn ngày và thậm chí là đi trong ngày nhằm tiết kiệm chi phí... Những vấn đề mang tính chi tiết gợi mở suy nghĩ về vấn đề tổng thể nhằm thực hiện định hướng phát triển du lịch xanh.
Gần đây, bàn về phát triển du lịch xanh, một số chuyên gia lưu ý tới ba trụ cột, gồm con người, lợi ích kinh tế và môi trường. Nói một cách khác, có thể hiểu rằng hiệu quả phát triển du lịch xanh phụ thuộc vào việc đề ra chính sách, sự hưởng ứng của doanh nghiệp và nhận thức, cách ứng xử của du khách tại nơi họ đến.
Xem xét ba vấn đề nói trên, dễ thấy trong những năm qua, tại Việt Nam, Đảng, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng có liên quan tới định hướng phát triển bền vững du lịch xanh. Đơn cử như mới đây, ngày 18-5-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh quá trình phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025.
Doanh nghiệp du lịch cũng không đứng ngoài cuộc. Nhiều nơi đi tiên phong trong việc thay đồ dùng nhựa bằng vật dụng thân thiện với môi trường; chú trọng xử lý nước thải, chất thải; ưu tiên yếu tố gần gũi với tự nhiên khi xây dựng công trình lưu trú và tổ chức hoạt động trải nghiệm cho du khách. Một số địa phương đã có bước tiến đáng ghi nhận trong phần việc này, như Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ninh, Nghệ An...
Về trụ cột thứ ba, dễ thấy sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của du khách đối với giá trị du lịch xanh. Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, được thực hiện vào cuối năm 2021, hơn một nửa số người được hỏi nói rằng họ quan tâm tới loại hình du lịch khám phá thiên nhiên. Trong thực tế, số người quan tâm tới loại hình này đã tăng đáng kể sau đại dịch Covid-19 - căn cứ vào lượng người mỗi cuối tuần đổ về những điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên như Mộc Châu (Sơn La), Ba Vì (Hà Nội), Pù Luông (Thanh Hóa), Măng Đen (Kon Tum)...
Trong ba trụ cột nói trên, nhận thức của người dân về du lịch xanh mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự chuyển biến là chưa đủ. Ý thức tiêu dùng xanh phải được bắt đầu từ nhà ra chợ, tới các điểm vui chơi và các khu du lịch. Những bài học trong nhà trường, những mô hình hay, những điểm du lịch nêu gương về bảo vệ tài nguyên, môi trường... cần được lan tỏa rộng rãi nhằm giúp người dân và du khách tạo dựng thói quen sống xanh. Nhà nước có chính sách đúng, doanh nghiệp không vì lợi ích trước mắt mà từ bỏ nguyên tắc bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch, người dân có thói quen sống xanh, đó là những yếu tố cơ bản bảo đảm cho quá trình phát triển du lịch xanh hướng tới đích bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.