Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới thành phố thông minh

Việt Nga| 16/07/2018 07:40

(HNM) - Hiện nay, Thủ đô Hà Nội đã bắt tay xây dựng thành phố thông minh. Với phương châm làm từng bước, chắc chắn, Hà Nội bắt đầu bằng việc xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh thành phố và ứng dụng giao thông thông minh.

Điểm đỗ xe ô tô thanh toán qua điện thoại trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Vũ Hoàng


Ứng dụng công nghệ

Xây dựng thành phố thông minh là ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin để giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã khẳng định, Hà Nội xây dựng thành phố thông minh sẽ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, mô hình đô thị thông minh bền vững mà Hà Nội mong muốn hướng tới phải mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân.

Để xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội bắt đầu bằng giao thông thông minh. Cụ thể, từ ngày 1-5-2017, thành phố đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) tại hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Sau thời gian thí điểm, từ tháng 9-2017, mô hình này được nhân rộng ra 9 tuyến phố thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng.

Cùng thời gian này, thành phố đã giao Tập đoàn FPT xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Từ tháng 4-2018, thành phố đầu tư Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước thành phố và thử nghiệm phần mềm HSDC Maps - cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh. Phần mềm này có thể tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố về trung tâm để xử lý.

Trong lĩnh vực môi trường, từ đầu năm 2016, Hà Nội đã vận hành 2 trạm quan trắc chất lượng không khí; công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí; thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và lập quy hoạch, chính sách về bảo vệ môi trường Thủ đô. Toàn bộ thông tin đã được đưa lên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội để người dân truy cập.

Cuối năm 2017, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 11/2017/ NQ-HĐND về việc điều chỉnh chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố giai đoạn 2016-2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Nghị quyết nêu rõ, Hà Nội xây dựng thành phố thông minh bằng việc hình thành Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội và một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh (giao thông, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng, môi trường thông minh...) và điều chỉnh mức kinh phí thực hiện...

Xây dựng các nền tảng cơ bản

Căn cứ theo Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND, thành phố đã xác định trong giai đoạn 2018-2020 xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội với 8 trung tâm chức năng. Theo đề xuất của Tập đoàn Viettel, Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội được triển khai làm 2 giai đoạn chính. Năm 2018, hoàn thành 3 trung tâm chức năng: Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Hỗ trợ cán bộ sử dụng công nghệ thông tin thành phố; Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông.

Cùng với đó, sẽ triển khai một số hạng mục của các trung tâm chức năng: Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Phân tích dữ liệu; Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân. Từ năm 2019 đến năm 2020, Hà Nội hoàn thành nốt một số hạng mục và các trung tâm chức năng còn lại.

Về xây dựng giao thông thông minh, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2018 hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản. Cụ thể, thành phố hoàn thành các hạng mục: Hệ thống thông tin giao thông tích hợp của TP Hà Nội; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; thử nghiệm hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh tại một số nút giao thông. Thành phố cũng sẽ triển khai hệ thống phần mềm trung tâm giám sát, điều hành giao thông thông minh tích hợp với Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục triển khai diện rộng dịch vụ iParking tại các điểm trông giữ xe ô tô trên địa bàn...

Tiếp theo là hệ thống du lịch thông minh do Tập đoàn VNPT triển khai. Trong đó, đặt ra mục tiêu năm 2018, hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống du lịch thông minh (bản đồ số, cổng thông tin du lịch...).

Được biết, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã, đang phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, xây dựng cơ chế, quy định về chức năng hoạt động, thực hiện đào tạo nhân lực... nhằm phục vụ cho việc phối hợp triển khai, vận hành hoạt động các hạng mục của thành phố thông minh. Như vậy, hình hài về một "Hà Nội - đô thị thông minh" sẽ là hiện thực trong một tương lai không xa.

Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 tổ chức tại Hà Nội ngày 13-7 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch để số hóa toàn bộ dữ liệu hiện có; hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc ứng dụng các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ cho việc quản lý, điều hành của thành phố. Đó là những cơ sở dữ liệu cốt lõi phục vụ cho việc điều hành của thành phố như cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới thành phố thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.