(HNM) - Mỗi bài học của giảng viên, sinh viên và học sinh là một bài học về giải quyết những vấn đề thực tiễn của Hà Nội có liên quan đến kiến thức của bài học. Đó là mục tiêu đề ra tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong quá trình thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục ĐH, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.
Cần một trường đại học "của riêng mình"
Một trong những điểm nhấn của công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP Hà Nội thời gian qua là hoàn thiện mạng lưới trường ĐH, CĐ trên địa bàn. Thực tế cho thấy, trên địa bàn Thủ đô có rất nhiều trường ĐH, CĐ, tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có cơ sở đào tạo bậc ĐH nào do Hà Nội trực tiếp quản lý với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu đặc trưng của Thủ đô. Những yêu cầu này càng trở nên bức thiết cùng sự phát triển và mở rộng địa giới hành chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực như quản lý, quy hoạch đô thị, môi trường, bảo tồn văn hóa, làng nghề…
Một giờ học ngoại ngữ của sinh viên Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Chiến Công |
Trong bối cảnh đó, sự kiện Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vào cuối năm 2014 (tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) mang ý nghĩa đặc biệt. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội ra đời với sứ mạng kết nối, phát triển truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến bằng việc theo đuổi các hoạt động đặc thù với chất lượng vượt trội trong phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Sứ mạng này không nằm ngoài nhiệm vụ mà Hà Nội đã đề ra: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Trong những nhiệm vụ nói trên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là khâu đột phá.
Ngay từ đầu, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội xác định trách nhiệm tham gia vào công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, đặt mục tiêu thực hiện tốt một loạt nhiệm vụ quan trọng, trong đó, nổi bật là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cấp độ, trình độ cho các ngành nghề mà Hà Nội có nhu cầu. Trường cũng là cơ sở nghiên cứu khoa học nhằm phát triển khoa học và công nghệ, giải quyết các vấn đề mà thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đặt ra, góp phần nâng cao trình độ dân trí, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, bản sắc Hà Nội...
Với một trường đại học "của riêng mình", Hà Nội có thể chủ động kế hoạch đào tạo giáo viên, cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, theo yêu cầu về số lượng, trình độ, chuyên ngành, tiến độ mà thực tiễn đặt ra, nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu trong các lĩnh vực, những chuyên ngành, bộ môn mang bản sắc đặc trưng của văn hóa và con người Hà Nội, như văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, môi trường, quản lý đô thị Hà Nội… cũng như trong tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ các cấp, các ngành.
Nói về mục tiêu đào tạo cũng như định hướng phát triển của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Hiệu trưởng - TS Bùi Văn Quân khẳng định: Với vai trò của một trường đại học trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, nhà trường xác định phần lớn sản phẩm đào tạo đã và sẽ là những công dân của Thủ đô, sống và làm việc vì sự phát triển của Thủ đô. Vì thế, văn hóa và bản sắc của Hà Nội phải in đậm dấu ấn trong quá trình đào tạo ấy. Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên của nhà trường phải là một người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội phù hợp với yêu cầu của thời đại công nghiệp, đô thị hiện đại cho học sinh, sinh viên được đặc biệt chú ý. Thực tiễn phát triển của các ngành nghề, yêu cầu về nhân lực của Hà Nội sẽ được cập nhật trong các chương trình đào tạo.
Đào tạo theo đặc trưng nhân lực Thủ đô
Theo Hiệu trưởng Bùi Văn Quân, để thực hiện thành công yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra, nhà trường sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, quan điểm thực hiện tự chủ và trách nhiệm trong quản lý, điều hành được đề cao với việc xây dựng thể chế bảo đảm thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội, xác định rõ việc bảo đảm quyền lợi cho người học là một trong những biểu hiện trách nhiệm xã hội cao nhất của nhà trường.
Các ngành nghề đào tạo của trường được thiết kế dựa trên yêu cầu từ thực tiễn, sát với thực tế yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô. Thứ nhất, là hướng đến đặc trưng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển của hệ thống kinh tế - xã hội Thủ đô. Đặc trưng này được phân tích cả ở phương diện nhu cầu cá nhân và nhu cầu xã hội về nhân lực. Thứ hai, là dựa trên năng lực cung ứng nhân lực của các cơ sở giáo dục đại học hiện có trên địa bàn Hà Nội. Thông tin về lĩnh vực này rất có giá trị trong việc quyết định qui mô ngành nghề đào tạo, những ngành nghề mới cũng như đẳng cấp chất lượng của các chương trình đào tạo mà Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ đào tạo.
Mặt khác, nhà trường sẽ tiếp tục khai thác thế mạnh về đào tạo giáo viên, đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng hệ đào tạo giáo viên chất lượng cao cho Thủ đô. Đây được xác định là lĩnh vực đào tạo chính trong những năm đầu của lộ trình xây dựng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, trong giai đoạn tới đây, các khoa sư phạm sẽ phải có sự thay đổi căn bản. Việc đổi mới này không thuần túy vì mục đích tự thân, mà chủ yếu là để bồi dưỡng nhận thức, phẩm chất và năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của Hà Nội. Khi Hà Nội hình thành hệ thống giáo dục phổ thông chất lượng cao thì Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phải là nơi cung ứng đội ngũ giáo viên chất lượng cao cho hệ thống đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.