(HNM) - Năm học 2015-2016, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT). Theo BHXH Hà Nội, năm học 2015- 2016, toàn thành phố phấn đấu 100% HSSV trên địa bàn có thẻ BHYT.
Nhiều nơi chưa đạt chỉ tiêu 100%
Trước thềm năm học mới, UBND quận Hà Đông đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 và triển khai công tác BHYT HSSV năm học mới 2015-2016, với sự tham dự của 200 người là đại diện các ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các phường, các trường học trên địa bàn. Theo số liệu từ BHXH quận Hà Đông, năm học 2014-2015, khối các trường do Phòng GD-ĐT quản lý (gồm khối tiểu học và THCS) có 43 trường, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 96,4%. Khối các trường do Sở GD-ĐT quản lý (gồm khối các trường THPT, trung tâm GDTX) có 17 trường, đạt 86,8%. Khối các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp có 11 trường, đạt 58,7%. Trên toàn quận có 60.353/72.519 HSSV tham gia, đạt 83,2%, tăng 3.538 em, tăng 6,5% so với năm học trước.
Với việc tham gia BHYT, học sinh có điều kiện được khám chữa bệnh tốt hơn. |
Cũng như Hà Đông, mặc dù có nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động để nâng cao tỷ lệ HSSV tham gia BHYT song huyện Thường Tín vẫn còn tới 16,3%, tương đương hơn 6.000 HSSV chưa tham gia BHYT. Năm học 2014-2015, mặc dù đã có sự gia tăng vượt bậc song tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trên toàn huyện mới đạt 83,7% (34.086/40.772 học sinh), trong đó, có 7 trường khối THPT đạt 100%, các khối còn lại vẫn chỉ đạt 79% đến 83%.
Linh hoạt trong thực hiện
Năm học 2015-2016, thành phố đặt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, tức là BHYT "phủ kín" đối tượng này. Tuy nhiên, theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, việc tăng mức đóng BHYT từ 3% lên 4,5% mức lương cơ bản cùng với quy định thời gian đóng BHYT theo năm tài chính, tức là đóng 15 tháng (từ tháng 10-2015 đến hết 31-12-2016) đang là thách thức đối với ngành BHXH.
Lường trước những khó khăn, BHXH thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu đề ra. Ngay khi năm học cũ kết thúc, từ BHXH thành phố đến các quận, huyện đã đồng loạt phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương tích cực chỉ đạo cũng như trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động. Lãnh đạo BHXH thành phố cùng cán bộ chuyên môn có mặt tại các quận, huyện để hướng dẫn, chỉ đạo triển khai. Bên cạnh đó, BHXH thành phố đã ra Công văn số 1656/BHXH-PT về việc hướng dẫn bổ sung BHYT HSSV và cơ sở khám chữa bệnh ban đầu theo Thông tư số 41/2014/BYT-BTC gửi BHXH các quận, huyện, thị xã. Theo đó, có hai phương án cụ thể quy định việc đóng BHYT cho HSSV: Đóng toàn bộ 15 tháng hoặc đóng làm 2 đợt (từ tháng 10-2015 đến tháng 3-2016 và từ tháng 4-2016 đến tháng 12-2016). Theo lãnh đạo BHXH Hà Nội, việc chia thời gian thành 2 đợt là một cách vận dụng linh hoạt nhằm giảm áp lực về các khoản thu đầu năm cho gia đình. Các phương án này sẽ được thông báo tới phụ huynh học sinh để có lựa chọn cho phù hợp. HSSV được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, còn lại 70% HSSV tự đóng. Như vậy, mỗi HS từ tiểu học đến đại học đóng 434.700 đồng/năm, đóng 15 tháng là 534.000 đồng/người.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, biện pháp thiết thực nhất nhằm nâng cao tỷ lệ HSSV tham gia BHYT là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học. Nhờ có nguồn kinh phí trích lại từ Quỹ BHYT mà hệ thống y tế trường học được củng cố và phát triển. Từ vật tư, thuốc thiết yếu, xử lý chấn thương, tai nạn, các hoạt động giáo dục nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh học đường… Bên cạnh đó, Quỹ BHYT còn góp phần giảm bớt khó khăn về tài chính, giúp nhiều HSSV mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng có điều kiện được điều trị hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.