(HNM) - Còn hai năm nữa Việt Nam - Pháp mới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhưng ngay từ bây giờ, cả hai nước đã cùng nhau xây dựng chương trình hoạt động cho sự kiện đặc biệt này.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam J.Girault. |
- Đại sứ đánh giá như thế nào về chặng đường phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Pháp trong gần 40 năm qua?
- Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1973), hai nước có những tiến bộ đáng kể về hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực. Hiện diện của sự hợp tác Pháp - Việt không chỉ có ở các thành phố lớn mà cả ở các vùng hẻo lánh. Hiện nay, có tới 6.000 người Pháp đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, những gì đạt được thời gian qua chưa thực sự làm chúng ta thỏa mãn. Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp Pháp có thể làm tốt hơn. Vì vậy, tôi và các cộng sự hoạt động trong bộ phận kinh tế của Sứ quán Pháp sẽ phối hợp với các đối tác Pháp ở Việt Nam để thiết lập cơ cấu làm việc đưa mối quan hệ trong lĩnh vực kinh tế lên tầm cao hơn hiện nay.
- Hiện nay, cả Pháp và Việt Nam đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Pháp và Việt Nam vẫn chưa là đối tác chiến lược của nhau. Trong thời gian tới, Pháp có kế hoạch thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam không?
- Hiện nay, Việt - Pháp đã có một số yếu tố trụ cột cho mối quan hệ đối tác chiến lược và hai nước đang hướng tới việc đưa mối quan hệ này lên tầm chiến lược một cách tổng thể. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, còn có một số lĩnh vực chúng ta cần phải tiến bộ hơn nữa để đạt được cái đích này ví dụ như trong lĩnh vực kinh tế.
- Từ năm 2010 đến nay, ở châu Âu nói chung và Pháp nói riêng có nhiều biến động trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế. Vậy những biến động này có ảnh hưởng tới các chính sách của Pháp với Việt Nam hay không?
- Tôi nghĩ rằng nếu có ảnh hưởng thì đó chỉ là những ảnh hưởng mang tính tích cực bởi để vượt qua khó khăn, chúng ta cần hơn nữa những trao đổi giữa các đối tác. Do đó, hai nước cần phải có thêm nhiều dự án hơn nữa. Còn trong lĩnh vực viện trợ phát triển chính thức (ODA), Pháp đang là nước cung cấp ODA song phương hàng đầu cho Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và sẽ vẫn giữ nguyên cam kết tài trợ này.
- Nhiều người dân Thủ đô đã biết về tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội với sự giúp đỡ của Pháp; nhưng sau khi giãn tiến độ một năm, đã xuất hiện dấu hiệu dự án sẽ tiếp tục lỡ hẹn. Suy nghĩ của ngài về dự án này như thế nào?
- Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội là một dự án giao thông đường sắt quan trọng không chỉ của Hà Nội mà còn của Việt Nam vì đã đến lúc phải trang bị cho Thủ đô một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và tôn trọng môi trường. Nước Pháp tham gia nhiều mặt vào dự án này và đặc biệt là hỗ trợ tài chính quan trọng qua các quỹ dành cho các nước mới nổi của Bộ Kinh tế Pháp và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Tuy nhiên, quả là có một vài khó khăn trong việc thực hiện dự án trong thời gian vừa qua nhưng tôi vui mừng nhận thấy các tiến triển gần đây của dự án sau khi sơ đồ đoạn đường ngầm được các bên thông qua ngày 14-4 vừa qua. Thành phố Hà Nội, các nhà tài trợ, Ban dự án đường sắt đô thị và nhà tư vấn chung Systra đã có những nỗ lực quan trọng để thúc đẩy dự án. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan cũng như hỗ trợ kỹ thuật của Pháp dành cho Ban dự án đường sắt đô thị sẽ là những yếu tố quan trọng để dự án đạt được những kết quả mới. Kế hoạch tiến độ thi công đưa ra rất tham vọng, nếu kế hoạch được các bên thực hiện một cách chặt chẽ thì mục tiêu đề ra là đưa tuyến đường sắt này vào hoạt động cuối năm 2016 là khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.