(HNM) - Sau hơn hai tháng cung cấp dịch vụ chuyển phát kết quả thủ tục hành chính tư pháp qua đường bưu điện đã có gần 200 lượt công dân đăng ký sử dụng.
Tiện lợi, chi phí hợp lý
Cuối giờ sáng ngày 25-10, phòng "một cửa" của Sở Tư pháp Hà Nội khá đông công dân đến làm thủ tục tư pháp. Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ không ít người đã tới để tìm hiểu bàn đăng ký sử dụng dịch vụ chuyển phát kết quả TTHC qua bưu điện. Tại đây, công dân được cán bộ "một cửa" Sở Tư pháp tư vấn và nếu có nguyện vọng sử dụng dịch vụ, sẽ được hướng dẫn điền tờ khai các thông tin cần thiết. Chị Quách Thị Linh Chi (huyện Đan Phượng) cho biết, đã sử dụng dịch vụ chuyển phát hồ sơ tư pháp qua đường bưu điện về huyện Đan Phượng vài lần và thấy dịch vụ này tốt nên tin tưởng sử dụng.
Dịch vụ chuyển phát kết quả thủ tục hành chính của Sở Tư pháp Hà Nội qua hệ thống bưu điện sẽ giúp cá nhân, tổ chức tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. |
Cùng với việc chuyển phát trong nội thành, dịch vụ này còn chuyển phát ra ngoại thành, liên tỉnh và đã được nhiều người đón nhận. Chị Bùi Thị Hường (ở TP Hưng Yên) là một trong những người đăng ký sử dụng dịch vụ từ những ngày mới thử nghiệm phấn khởi chia sẻ: "Giữa tháng 8-2013, tôi đến Sở Tư pháp giải quyết một TTHC thì được cán bộ giới thiệu sắp có dịch vụ mới là nhận kết quả tại nhà nên đăng ký luôn. Tôi rất bất ngờ là nhận kết quả qua đường bưu điện tại nhà nhanh và tiết kiệm chi phí hơn đi xe khách lên Hà Nội để lấy kết quả". Còn chị Bùi Thị Quỳnh Chi (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Tôi nhờ cháu đến Sở Tư pháp Hà Nội làm thủ tục giúp. Mấy ngày sau kết quả đã được chuyển vào TP Hồ Chí Minh mà chỉ mất 50.000 đồng".
Khi triển khai dịch vụ này, Sở Tư pháp và Bưu điện Hà Nội cam kết: So với ghi trong giấy hẹn trả kết quả, người dân ở nội thành sẽ phải đợi thêm 1 ngày, ở ngoại thành sẽ phải đợi thêm 2 ngày. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Sở Tư pháp đã cố gắng lựa chọn những hồ sơ có thể rút gọn thời gian thì giải quyết sớm nên nhiều trường hợp đã trả sớm hơn cả giấy hẹn. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Hộ tịch có yếu tố nước ngoài, phụ trách bộ phận "một cửa": Để tránh sai sót với hồ sơ đã gửi, Sở Tư pháp
bố trí cán bộ "một cửa" chuyên trách hướng dẫn công dân, khi thủ tục đã hoàn tất, cán bộ đối soát một lần nữa các thông tin trước khi chuyển sang bưu điện. Cuối tháng, Bưu điện Hà Nội đều chuyển lại phiếu gửi bưu phẩm cho Sở Tư pháp. Từ cách làm thận trọng và sự phối hợp chặt chẽ, đến nay, chưa có trường hợp sai hẹn hay thất lạc hồ sơ.
Hoàn thiện dịch vụ
Sở Tư pháp là cơ quan đầu tiên của TP Hà Nội triển khai dịch vụ chuyển phát kết quả qua đường bưu điện nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của công dân khi làm thủ tục tư pháp. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Xuân Phương cho rằng: Hiệu quả của dịch vụ mới này đã được người dân ghi nhận nhưng chưa cao, biểu hiện ở số lượng người đăng ký sử dụng chưa nhiều sau hơn hai tháng. Nguyên nhân một phần là công tác tuyên truyền chưa mạnh, nhiều người dân còn chưa biết hoặc chưa hiểu hết lợi ích của dịch vụ này. Hơn nữa, nhiều người vẫn còn tâm lý phải đến tận nơi, trực tiếp nhận kết quả mới yên tâm.
Một số ý kiến cho rằng, mức phí 30.000 đồng, 40.000 đồng và 50.000 đồng tương ứng với chuyển phát về nội thành, ngoại thành và liên tỉnh theo quy định của bưu điện hơi cao, song đó không phải là nguyên nhân khiến tỷ lệ sử dụng dịch vụ này chưa như mong đợi. Hiện Sở Tư pháp mới tuyên truyền đến người dân về dịch vụ này tại bộ phận "một cửa" của Sở. Tại đây, Sở đã công khai thông tin giới thiệu về dịch vụ, song chưa phải người dân nào cũng đọc hết thông báo. Thêm vào đó, cán bộ "một cửa" tiếp nhận hồ sơ chỉ có thể giới thiệu cho công dân về dịch vụ khi lượng công dân đến giao dịch thưa thớt. Bên cạnh đó, việc công dân sau khi nộp hồ sơ mới quay sang tìm hiểu thủ tục chuyển phát qua bưu điện, nếu có nhu cầu sẽ phải khai thông tin (họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi thường trú, tạm trú, số chứng minh nhân dân, điện thoại…) là chưa thực sự phù hợp. Cán bộ hướng dẫn khẳng định, việc khai như vậy là cần thiết, để đối soát, tránh sai lệch thông tin, bảo đảm an toàn cho hồ sơ đến đúng người, đúng địa chỉ. Tuy nhiên, có những trường hợp công dân vừa khai một tờ có nội dung tương tự như vậy để làm hồ sơ nên ngại viết lại và không đăng ký sử dụng dịch vụ.
Sáu loại kết quả TTHC mà người dân không phải ký vào sổ lưu, được Sở Tư pháp Hà Nội lựa chọn để chuyển phát qua đường bưu điện (nếu công dân có nhu cầu) gồm: Cấp phiếu lý lịch tư pháp; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch; các thủ tục về bổ sung, cải chính, điều chỉnh, thay đổi hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính; thủ tục cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam và cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; các thủ tục về bổ nhiệm, cấp thẻ, cấp lại thẻ, miễn nhiệm công chứng viên; các thủ tục về thành lập văn phòng công chứng, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại đăng ký hoạt động và chấm dứt hoạt động của văn phòng công chứng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.