(HNM) - Nền kinh tế đang hướng tới hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó lĩnh vực xuất, nhập khẩu dự kiến đạt kim ngạch 500 tỷ USD trong năm nay. Đặc biệt, xuất khẩu tăng trưởng liên tục, xác lập tầm mức mới với giá trị xuất siêu đạt 11 tỷ USD, qua đó tạo sự lành mạnh trong cán cân thương mại và tiếp đà thắng lợi cho thời gian tới, trước mắt là năm 2020.
Năm thứ 4 liên tiếp xuất siêu
Lạc quan với tình hình xuất, nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, với kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân đạt 43 tỷ USD/tháng đạt được từ đầu năm đến nay thì tổng kim ngạch năm 2019 chắc chắn đạt mốc 500 tỷ USD. Theo đó, tính đến giữa tháng 12, kim ngạch xuất khẩu đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đáp ứng chỉ tiêu tăng 7-8% trong năm nay; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6%. Như vậy, nền kinh tế đã xuất siêu 11 tỷ USD giá trị hàng hóa và là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Bộ Công Thương cũng xác nhận, đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như: Dệt may, điện tử, điện thoại và linh kiện, đồ gỗ... Riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 48,7 tỷ USD và chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đáng lưu ý là, khu vực doanh nghiệp trong nước đang duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu tốt, tăng 18,1%.
Về nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất nói chung chiếm tới hơn 91% tổng kim ngạch. Cơ cấu này là khá hợp lý bởi nhóm hàng này là đầu vào, nguyên liệu nhằm phục vụ hoạt động sản xuất - trong đó có sản xuất hàng xuất khẩu. Hơn nữa, chính các loại máy móc, thiết bị nhập về trở thành tài sản cố định, tiếp tục phát huy tác dụng trong thời gian dài.
Đóng góp vào kết quả chung, Hà Nội nổi lên là một trong số các địa phương có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng. Trong 11 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 15,083 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018. Theo Sở Công Thương Hà Nội, 4 tháng gần đây, Hà Nội liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10% trở lên, cao hơn hẳn chỉ tiêu được giao (7,5-8%). Kết quả này đạt được do những chương trình xúc tiến thương mại triển khai thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, các doanh nghiệp Hà Nội đã chú trọng đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, không quá tập trung vào các mặt hàng chủ lực truyền thống nên tạo ra sự chủ động hơn trước biến động của thị trường.
Về việc này, ở góc độ một doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Long, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu điện tử Đức Hiếu (phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, do hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn duy trì tốt, đơn vị đang tập trung vào việc bảo đảm chất lượng và thời hạn giao hàng. Trong bối cảnh hội nhập và nhận được nhiều chính sách hỗ trợ, nếu doanh nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ mới, cân đối hài hòa giữa xuất và nhập khẩu thì khả năng phát triển bền vững sẽ tăng đáng kể.
Tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm xuất khẩu
Mặc dù đã đạt được kết quả tốt nhưng hoạt động xuất khẩu không hoàn toàn là “màu hồng” đối với tất cả các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Bảo Khánh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty May Sơn Hà (phố Lê Lợi, thị xã Sơn Tây - Hà Nội) nhận định, năm 2019 là thời gian khó khăn đối với ngành dệt may bởi ít đơn hàng, lại bị ảnh hưởng bởi sức mua giảm của hầu hết đối tác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc. Không ít đơn vị phải chấp nhận hạ giá để có đơn hàng, chủ động tiết giảm chi phí, duy trì sản xuất, giữ chân người lao động.
Đánh giá về những cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm hóa giải một số khó khăn đang đặt ra, theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chắc chắn là cú hích lớn cho hoạt động xuất khẩu Việt Nam. Trong đó, cơ hội chủ yếu đối với những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh, như: Dệt may, da giày, nông sản nhiệt đới... Dự báo, kim ngạch xuất khẩu vào EU có thể tăng tới 20% trong thời gian tới.
Về nhập khẩu, ông Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương) cho rằng, nên theo dõi và có biện pháp quản lý nhập khẩu hợp lý, chú trọng nhập khẩu theo hướng lành mạnh, giảm nhập hàng tiêu dùng; khuyến khích doanh nghiệp theo dõi diễn biến giá các mặt hàng cần nhập khẩu để quyết định nhập hàng vào thời điểm giá giảm.
Tiếp đà thắng lợi của hoạt động xuất, nhập khẩu trong thời gian qua, hiện các bộ, ngành, địa phương đang chủ động vào cuộc, nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh về vị trí trung tâm kinh tế, đầu mối thương mại hàng đầu cả nước cũng như cơ cấu kinh tế hiện đại để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động xuất, nhập khẩu. Thành phố cũng phát huy tính đặc thù về nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển những sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, giá trị gia tăng cao...
Với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, yêu cầu đối với hàng xuất khẩu ngày càng cao, đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp; trong đó chủ yếu là về chất lượng, quy định đóng gói, vận tải, thời hạn giao hàng và bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cho công nghệ chế biến, thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng quy mô xuất khẩu.
Đáng chú ý, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu bằng việc tập trung vào công tác xúc tiến thương mại để khai thác tối đa cơ hội từ các thị trường. Theo đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo các văn phòng đại diện thương mại ngoài nước tăng cường nắm bắt thông tin để dẫn hướng cho doanh nghiệp bên cạnh việc cập nhật sự thay đổi thị hiếu, sức mua, quy định pháp lý tại các thị trường bản địa. Bộ cũng khuyến nghị doanh nghiệp có biện pháp ứng phó với xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng của một số nước...
Những giải pháp tiếp tục được thực hiện đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp; cùng việc cán đích kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2019 là 500 tỷ USD sẽ là cơ sở để lĩnh vực này tiếp tục đạt những kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.