(HNM) - Đã 5 ngày kể từ khi con nước lũ dâng lên đến đỉnh nhưng đường vào Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn mâng mấng nước. Ven đường, hàng nghìn hộ dân của huyện đang chìm sâu. Nhìn ra mênh mông nước, các thành viên đoàn công tác của Báo Hànộimới cùng các đồng nghiệp Báo Hà Tĩnh càng nóng ruột hơn trong hành trình sẻ chia khó khăn với đồng bào vùng lũ.
Chúng tôi đã đến được với người dân vùng ngập lụt ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ngay sau khi thông đường với mỳ ăn liền, quần áo, sách vở và 160 triệu đồng. Kể từ ngày con đập Khe Mơ của xã Sơn Hàm bị vỡ ngày 16-10, nước vẫn chưa rút đáng là bao. Chủ tịch MTTQ huyện Hương Sơn Võ Khắc Định than thở, nước ngập trắng làng, trắng đồng, người dân bây giờ cũng... trắng tay rồi.
Chúng tôi đến UBND xã Sơn Hòa đúng giữa trưa. Sân UBND xã nước chưa rút hết, bùn nước vẫn còn dấp dính mắt cá chân. Nét mặt phờ phạc, ông Hà Học Tuấn, Chủ tịch UBND xã Sơn Hòa đăm chiêu kể: Đập Khe Mơ bị vỡ, xối nước xuống sông Ngàn Sâu. Thế là chỉ trong vòng chưa đầy tiếng đồng hồ, nước lên cao nhấn chìm 123ha hoa màu cùng hơn 300 nóc nhà. Ở chỗ nước sâu nhất, lực lượng cứu hộ đo được là hơn 3 mét tính từ nền nhà".
Những người trong xóm cũng kể lại, khi nước lên, cụ Trần Thị Sâm, 80 tuổi ở xóm 6 được gia đình đưa lên gác xép, nhưng không ngờ, đêm ấy, cụ ngã xuống nước mà không có ai biết vì người trong nhà đang lo việc di chuyển tài sản. Cụ bị dòng lũ nhấn chìm ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Sơn Hòa vốn là xã nghèo của huyện nghèo Hương Sơn, con nước lũ quái ác đã cướp đi tài sản, mùa màng của bà con. Cái nghèo lại chồng lên cái nghèo :"Không biết bao chừ người dân nơi đây mới thoát nghèo"
Đón nhận những suất quà từ Quỹ Trái tim nhân ái, Báo Hànộimới, những người dân xúc động trước tấm lòng của những người làm báo Đảng Thủ đô cùng các nhà hảo tâm. Chị Hà Thị Xuân, ở xóm 1 xã Sơn Hòa sau khi nhận sự hỗ trợ cứ đứng tần ngần bên chiếc xe chở hàng. Chị bảo, nhà chị nghèo! Chồng chị là thương binh hạng 1/4, mỗi khi trái nắng trở trời lại ốm. Ba đứa con chị đang đi học chưa giúp gì được cho bố mẹ nhưng chúng ngoan ngoãn, học giỏi. Thương chồng, thương con, chị tần tảo làm 4 sào ruộng nhưng vẫn không đủ nuôi con ăn học. Chị phải vay tiền từ ngân hàng chính sách, rồi vay của khắp họ hàng, chòm xóm lo tiền cho con đi học. Nhưng rồi, thiên tai ập xuống, người nghèo càng nghèo hơn.
Hết mưa, trời lại nắng! Những người dân Hương Sơn của Hà Tĩnh cũng như người dân các vùng lũ của Nghệ An, Quảng Bình sẽ phải gắng gượng vươn lên. Nhưng không biết phải mất bao nhiêu năm các gia đình nơi đây mới hồi phục và ổn định kinh tế trở lại dù cho có sự chia sẻ, đùm bọc của hàng triệu đồng bào cả nước.
Khi chúng tôi rời vùng rốn nước Hương Sơn, vẫn còn rất nhiều đoàn cứu trợ đang đến với những người hoạn nạn đang bị chia cắt, cô lập giữa biển nước, không điện, thiếu nước sạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.