(HNM) - Cùng với quá trình tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế, các DN Việt Nam cũng từng bước xuất ngoại nhằm mở rộng thị trường và tìm lợi nhuận.
Viettel là nhà cung cấp dịch vụ hiệu quả hàng đầu tại thị trường Lào và Campuchia. Ảnh: Thanh Hải
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đến nay nước ta có 627 dự án đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN), với tổng vốn đăng ký đạt 10,8 tỷ USD. Số lượng dự án và số vốn tăng đều qua từng năm. Điều này cho thấy ĐTRNN đang là xu hướng tích cực, như mảnh đất còn chỗ trống với một bộ phận DN trong nước. Tuy các dự án đã có mặt ở 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, vươn tới cả khu vực xa như Châu Phi, Trung Mỹ… nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở một vài quốc gia quen thuộc gồm Lào, Campuchia, Nga… Trong đó, các DN "nội" đầu tư tới 3,4 tỷ USD vào Lào qua một số dự án quan trọng thuộc các lĩnh vực viễn thông, thủy điện, hạ tầng giao thông, ngân hàng… Điều này cho thấy, DN Việt Nam tập trung hỗ trợ nước bạn khai thác và phát triển các nguồn tiềm năng có thế mạnh, để từ đó gia tăng thu nhập cho đối tác cũng như người dân sở tại. Mặt khác, việc tham gia dự án thủy điện còn giúp cả hai nước chủ động hơn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Các dự án về phân phối bán lẻ và vận tải lại tạo điều kiện cho sự giao thương mang tính chất bổ sung theo hướng đa dạng hóa, bù đắp nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường của hai nước. Trong khi đó, với việc đầu tư 776 triệu USD tại Nga, DN Việt chủ yếu triển khai những dự án quy mô nhỏ và vừa, nhằm vào các ngành hàng sở trường, như xây dựng chợ, trung tâm phân phối bán lẻ, sản xuất thực phẩm chế biến và mì ăn liền đã được người tiêu dùng sở tại tín nhiệm. Một số dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng của DN Việt Nam trong việc ĐTRNN là dự án Nhà máy Thủy điện Hạ Sê San II tại Campuchia, công suất 400MW, tổng vốn đầu tư 806 triệu USD; Dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru với tổng vốn 408 triệu USD; Dự án trồng 4.000ha cao su tại Campuchia của Công ty CP Cao su Chư Sê Việt Nam… Riêng Viettel đang được đánh giá là DN có thương hiệu mạnh, là nhà cung cấp dịch vụ hiệu quả hàng đầu tại thị trường Lào, Campuchia.
Bộ KH-ĐT cho biết, nhìn chung các dự án ĐTRNN của các DN được chuẩn bị khá tốt về huy động vốn, phân kỳ đầu tư, khả năng hoàn vốn và nhu cầu thị trường. Hơn thế, một số DN đã chủ động thuê tư vấn và tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến quy định pháp luật của quốc gia hoặc khu vực dự định đầu tư để bảo đảm thành công. Đó là những bài học quý cho những DN đi sau trong việc ĐTRNN, để rút kinh nghiệm, tiết kiệm thời gian, chi phí tài chính trong quá trình chuẩn bị dự án. Về giải ngân vốn ĐTRNN cho thấy, lượng vốn thực hiện đạt khoảng 25% của tổng vốn đăng ký, thấp hơn so với mức trung bình của thế giới. Lý giải thực trạng này, một số chuyên gia cho rằng, phần lớn DN Việt Nam còn chưa thạo trong triển khai dự án ở nước ngoài, thiếu nhân sự trình độ cao, cá biệt còn có dự án gặp khó khăn về giao thông, thông tin, hạ tầng lạc hậu… Nguyên nhân chính khiến mức giải ngân chưa cao là do nhiều dự án mới được cấp phép, nên đang trong giai đoạn đầu hoạt động, cần thêm thời gian để "tiêu" vốn.
Thông qua các dự án đã, đang triển khai, các DN Việt Nam đã từng bước trụ vững, tạo dựng hình ảnh tốt tại các quốc gia tiếp nhận đầu tư. Thời gian qua, Chính phủ và các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam ĐTRNN cũng như quản lý, dẫn hướng dòng vốn "chảy" đúng hướng. Trong bối cảnh kinh tế trong nước còn khó khăn, năm 2012 Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý tăng cường rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án; cân đối nguồn vốn và thực hiện việc chuyển vốn ra nước ngoài phù hợp với thực tế và khả năng cho phép, xác định rõ nhu cầu chuyển vốn của chủ đầu tư đối chiếu với lộ trình thực hiện dự án, thắt chặt công tác thẩm định hồ sơ xin cấp phép ĐTRNN, đề cao yêu cầu tiết kiệm và hiệu quả kinh tế, tránh thất thoát hoặc đầu tư dàn trải… Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT tăng cường giám sát ĐTRNN, nhấn mạnh thực hiện một số biện pháp bảo đảm an ninh ngoại tệ; giám sát các giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động ĐTRNN. Năm nay và những năm sau, các hoạt động xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp hoặc kết hợp lồng ghép với những sự kiện ngoại giao của Chính phủ tiếp tục được triển khai mạnh, trong đó nhấn mạnh vào những địa bàn trọng điểm, còn nhiều tiềm năng, như khu vực Nam Á, Nam Mỹ, Nga, Đông Nam Á… để hỗ trợ DN "nội".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.