(HNM) - Trên thế giới và khu vực, “thành phố thông minh” không chỉ còn là ý tưởng mà đã thành hiện thực. Để sớm xây dựng một “thành phố thông minh” trong tương lai gần, Hà Nội đặt quyết tâm cao và bước đầu công nghệ thông tin đã trở thành "chìa khóa" trong một số mặt công tác, nhất là ở lĩnh vực cải cách hành chính công.
Mục tiêu của thành phố Hà Nội được Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Nguyễn Ngọc Kỳ chia sẻ là đến năm 2020 thành phố sẽ hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của “thành phố thông minh”, gồm: Nền tảng cơ sở hạ tầng; các cơ sở dữ liệu cốt lõi; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường.
Đến nay, một số lĩnh vực đã dần được ứng dụng công nghệ thông tin và đi vào cuộc sống như việc triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán giá trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking); thí điểm lắp đặt thiết bị hệ thống vé điện tử thông minh trên tuyến buýt nhanh BRT; xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống giám sát bằng camera; thí điểm hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây...
Thế nhưng, để sớm đưa Hà Nội trở thành “thành phố thông minh” thì cần có những nền tảng cơ bản hơn. Về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội xác định sẽ ưu tiên triển khai các thành phần cơ bản của “thành phố thông minh”, gồm: Trung tâm Điều hành thông minh, giao thông thông minh và du lịch thông minh.
Theo Thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Vũ Quang Huy, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nền tảng kỹ thuật cho các ứng dụng công nghệ thông tin trên thế giới hiện đã rất phát triển. Việc Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung chậm đưa các ứng dụng này vào hoạt động quản lý cũng như đời sống dân sinh sẽ dẫn đến lạc hậu trên nhiều lĩnh vực... Về mặt tổng thể, kiến trúc sư Trần Dũng (nguyên cán bộ Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng) cho rằng, Hà Nội sẽ còn phải mất nhiều thời gian để trở thành “thành phố thông minh” bởi quy hoạch tổng thể còn khá chắp vá.
Nhận rõ thách thức đó, Hà Nội đã và đang đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghệ thông tin thông qua việc phát huy khả năng sẵn có đi đôi với tăng cường hợp tác quốc tế. Minh chứng là việc phối hợp tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019 từ ngày 29 đến 30-8. Đây là dịp giới thiệu, trình diễn công nghệ, khoa học - kỹ thuật; trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ; kết nối mạng lưới, dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp; xúc tiến hợp tác đầu tư và thương mại trong lĩnh vực công nghệ...
Đối với những hợp phần cơ bản của “thành phố thông minh”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện quyết liệt hơn nữa bằng việc làm cụ thể. Như trong lĩnh vực du lịch, ngay trong năm 2019 cần khẩn trương hoàn thiện Đề án du lịch thông minh, đi cùng với hoàn thiện bản đồ số du lịch Hà Nội, hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch Hà Nội, xây dựng và đôn đốc lắp đặt bổ sung hệ thống wifi tại các địa điểm du lịch cũng như hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch... Ngoài ra, thành phố khuyến khích các sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin từ các cấp chính quyền, các ngành như việc lắp camera an ninh, đèn chiếu sáng thông minh...
Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là ba địa phương của Việt Nam tham gia mạng lưới các “thành phố thông minh” ASEAN. Trong đó, Hà Nội đang được đánh giá là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là lĩnh vực quản lý hành chính công. Bước tiếp theo cần đẩy nhanh là tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh. Qua đó, người dân sớm được tiếp cận và thụ hưởng những tiện ích hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.