(HNM) - Ngày 9-3, tại TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra hội nghị
Theo đó, đây là cảnh báo cần thiết để định hướng thị trường BĐS phát triển lành mạnh, đúng hướng. Dù việc siết chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nhưng đáng mừng là các doanh nghiệp (DN) khẳng định đã sẵn sàng thực hiện quy định mới.
Hoạt động vay vốn kinh doanh đầu tư cho thị trường bất động sản sẽ có những thay đổi nhằm phát triển lành mạnh, bền vững. Ảnh: Linh Ngọc |
Thông điệp cảnh báo
Trước những ý kiến trái chiều về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN (quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài - tổ chức tín dụng) theo hướng "siết" dư nợ cho vay BĐS, NHNN đã có văn bản về vấn đề này. Theo đó, trước đây đã có bài học đắt giá về tập trung cho vay BĐS giai đoạn 2006-2010, đẩy ngân hàng vào trạng thái rủi ro quá mức, không ít ngân hàng khó khăn, thua lỗ, thậm chí lâm vào tình trạng phá sản. Thị trường BĐS không thể phát triển lành mạnh, bền vững nếu chủ yếu dựa vào vốn vay của ngân hàng, trong đó người tham gia thị trường gồm chủ đầu tư dự án, người tiêu dùng... Đặc biệt, không ít nhà đầu tư có năng lực tài chính yếu kém, thậm chí không có vốn chủ sở hữu để đầu tư. Việc điều chỉnh quy định tại Thông tư 36 ảnh hưởng không đáng kể đến dòng vốn tín dụng vào thị trường BĐS. Vấn đề là người đầu tư, kinh doanh có đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, điều kiện vay vốn để các tổ chức tín dụng (TCTD) rót vốn đầu tư không. Hệ thống các TCTD vừa trải qua thời kỳ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu "đau đớn", vết thương còn chưa lành, tổn thất chưa khắc phục xong, mà một trong những nguyên nhân chính là rủi ro BĐS. NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% không ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ an toàn vốn, theo đó tỷ lệ an toàn vốn bình quân của toàn hệ thống giảm từ 13% xuống 12,1%. Với tỷ lệ an toàn vốn bình quân toàn hệ thống đến cuối năm 2015 là 13%, các TCTD vẫn còn có thể cho vay kinh doanh với số vốn bổ sung 650 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra, giám sát NHNN: Việc sửa đổi bổ sung Thông tư 36 không phải "siết van" BĐS. Đây chỉ là thông điệp của NHNN nhằm tăng cường kiểm soát khả năng thanh khoản và rủi ro trong hoạt động cho vay. Tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục khẳng định, việc sửa đổi Thông tư 36 là tín hiệu "cảnh báo" các TCTD trong tín dụng vốn vay trung dài hạn tăng nhanh, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, dễ dẫn đến rủi ro.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright phân tích, việc hướng tín dụng vào đúng lĩnh vực kinh tế là cần thiết. Năm 2015, tín dụng đã chảy quá nhiều vào BĐS (hơn 30% so với tăng trưởng tín dụng chung chỉ hơn 17%). Còn theo Luật sư Trương Thị Hòa, sửa đổi Thông tư 36 là tín hiệu tốt khi Luật đã phát huy được tính dự báo.
Doanh nghiệp sẵn sàng
Do hầu hết nguồn vốn của DN BĐS là vay ngân hàng nên ngay khi Thông tư 36 đang trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi không ít DN đã chủ động cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp hơn với thị trường. Các DN huy động vốn từ nhiều nguồn thì khá "bình tĩnh" trước thông tin sửa đổi Thông tư. Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát khẳng định, nguồn vốn của công ty không phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng nên có siết tín dụng cũng không bị ảnh hưởng. Ông Steven Chu, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Long, cũng khẳng định việc sửa đổi Thông tư 36 không quá ảnh hưởng đến hoạt động của công ty bởi nguồn vốn huy động đến từ các cổ đông, đối tác chiến lược nước ngoài và các ngân hàng trong nước.
Rất nhiều DN cũng đã chủ động chuẩn bị nguồn vốn mới. Ngày 6-3, Công ty An Gia và Công ty Phát Đạt (PDR) đã ký kết hợp tác với Quỹ Đầu tư Creed Group (Nhật Bản) để triển khai dự án River City với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Trước đó, năm 2015, Creed Group cũng đã đầu tư vào An Gia 200 triệu USD và triển khai thành công hai dự án Angia Skyline và Angia Riverside. Công ty BĐS Sơn Kim đã ký hợp tác với Tập đoàn Hong Kong Land để phát triển dự án căn hộ cao cấp The Nassim,… Theo các DN BĐS, dòng đầu tư mới mà các DN kỳ vọng khi "van" tín dụng siết lại là vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thuận lợi là dòng vốn FDI đầu tư vào BĐS Việt Nam trong năm 2015 đã tăng và đang tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng "ngắm nghía" đầu tư vào BĐS tại Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương chính thức có hiệu lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.