(HNM) - Dù đạt được những kết quả nhất định, hàng loạt mặt hàng nông sản như lúa gạo, cao su, cà phê, hạt điều, cây ăn quả được sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt vẫn gặp không ít khó khăn do chất lượng sản phẩm thấp, đặc biệt là vấn đề thị trường...
Chuyển biến về năng suất, chất lượng
Theo Bộ NN&PTNT, sau 2 năm triển khai tái cơ cấu ngành trồng trọt, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 3% trở lên. Năng suất hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh: Trong giai đoạn 2012 - 2014, năng suất lúa từ 56,4 tạ/ha tăng lên 57,6 tạ/ha, chè 79,5 tạ/ha tăng lên 85,1 tạ/ha, hạt điều từ 9,7 tạ/ha tăng lên 12 tạ/ha…
Chất lượng một số nông sản như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè ở nhiều địa phương được cải thiện đáng kể. Nhờ vậy, xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt vẫn duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm và hiện có 7 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm gồm: Gạo 2,95 tỷ USD, cao su 1,78 tỷ USD, cà phê 3,56 tỷ USD, hạt điều gần 2 tỷ USD, hạt tiêu 1,20 tỷ USD, rau quả 1,69 tỷ USD, sắn và sản phẩm từ sắn 1,14 tỷ USD.
Nhãn là một trong những loại cây ăn quả cho giá trị và chất lượng cao. Ảnh: Thái Hiền |
Trong trồng trọt, lúa là cây trồng chủ lực có diện tích lớn nhất hiện nay, nên việc tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo theo chuỗi giá trị có vai trò to lớn. Từ năm 2013 đến hết vụ đông xuân năm 2015 đã có hàng nghìn mô hình cánh đồng mẫu lớn được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556 nghìn hécta, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích thực hiện liên kết lớn nhất, 450 nghìn hécta...
Trong 2 năm 2014-2015 diện tích tái canh cây cà phê đạt gần 32 nghìn hécta, tăng 14% so với kế hoạch được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Sản xuất chè theo hướng ổn định về diện tích, thay thế các giống chè có chất lượng thấp bằng các giống chè có chất lượng cao, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình Vietgap. Diện tích trồng các loại cây ăn quả theo vùng được duy trì ổn định và tiêu thụ tốt. Giá trị xuất khẩu từ năm 2013-2014 bình quân mỗi năm tăng 42,8%, trong đó, nhiều mặt hàng nông sản đã có ở những thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Australia và các nước trong khu vực EU, ASEAN...
Tổ chức sản xuất hợp lý
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá: "Lúa gạo là ngành lợi thế, tuy nhiên, không phải cứ lợi thế thì cố gắng mở rộng sản xuất ngày càng nhiều. Gạo Việt Nam đang đứng trước thực tế chất lượng thấp nên giá xuất khẩu cũng thấp hơn nhiều so với gạo các nước. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu chỉ đạt khoảng 10.000 đồng/kg trong khi gạo người dân Hà Nội thường ăn phải từ 15.000 đồng trở lên. Do vậy, quan trọng hiện nay là phải chú trọng để có chất lượng gạo ngon, đưa vào phân khúc thị trường cao chứ không phải ở chỗ mở rộng diện tích".
Tương tự, với cây trồng ăn quả, hiện năng suất, chất lượng, độ đồng đều không cao, khâu chế biến bảo quản có nhiều hạn chế, số lượng một số sản phẩm thu hoạch vào một thời điểm nhất định lớn dẫn đến tiêu thụ khó khăn, thường bị ép giá. Công tác thiết lập hệ thống tiêu thụ nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu còn nhiều bất cập... Trong khi đó, người dân đang đua nhau mở rộng diện tích trồng hồ tiêu. Bộ NN&PTNT cảnh báo, thị trường thế giới có hạn, ngành hàng sản xuất hồ tiêu lại đứng trước nhiều bất cập như bệnh hại tương đối phổ biến, diện tích phát triển nóng, phá vỡ quy hoạch. Nếu không có những giải pháp quản lý tích cực thì việc sản xuất tiêu thụ hồ tiêu không bền vững.
Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đơn cử, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tái cơ cấu bằng cách tái canh cà phê, chè an toàn; cây dược liệu và cây đặc sản phục vụ du lịch. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ thêm cho địa phương trong khâu dự báo thị trường và xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất vùng miền. Một số địa phương như Đồng Nai, Bình Phước cũng cho rằng tái cơ cấu phải lấy thị trường làm tiêu điểm để điều chỉnh sản xuất. Tìm hiểu để biết thị trường cần gì chứ không thể dừng lại ở việc sản xuất cái mình có...
Thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt phải hướng đến nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, lựa chọn những cây trồng chủ lực có lợi thế kinh tế cao là yêu cầu được Bộ NN&PTNT đặt ra. Tái cơ cấu không chỉ thay đổi cơ cấu cây trồng mà phải thay đổi cách tiếp cận trong tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.
Phải thay đổi cách tiếp cận đối với trồng trọt từ sản xuất tự cung, tự cấp ở miền núi, sản xuất đủ tiêu dùng có dư thừa thì mới bán ở Đồng bằng sông Hồng và một số địa phương sang sản xuất hàng hóa. Thông qua sản xuất hàng hóa để có thu nhập cao hơn, có đủ lương thực thực phẩm nâng cao thu nhập. Nông nghiệp phải là một nền sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, các sản phẩm của ngành trồng trọt phải hướng đến chất lượng cao hơn, với giá thành giảm để tạo cạnh tranh với những nông sản nhập khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.