Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến độc giả đại chúng với nhiều cách tiếp cận mới

Bài và ảnh: Vân Hạ| 03/09/2022 06:35

(HNMCT) - Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, hội nhập quốc tế, dòng sách phi hư cấu ngày một xuất hiện nhiều hơn, trong đó có sách chuyên khảo. Không còn là sách “độc quyền” của giới nghiên cứu, dòng sách học thuật đang ngày càng hướng đến độc giả đại chúng với những cách tiếp cận mới mẻ, đa dạng.

Dòng sách học thuật đang ngày càng hướng đến độc giả đại chúng với những cách tiếp cận mới mẻ, đa dạng. Ảnh: Minh Vũ

Sức hút từ sách chuyên khảo

Kinh tế - xã hội phát triển cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã đưa thị trường xuất bản đến những nấc thang mới. Chưa bao giờ độc giả có thể tìm đọc hay sở hữu một cuốn sách chuyên khảo dễ dàng đến thế. Từ sự quan tâm của đông đảo độc giả đương thời, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như “Việt Nam văn hóa sử cương”, “Văn minh Việt Nam”, “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”, “Việt Nam sử lược”... được tái bản.

Ngoài sách văn chương, độc giả ngày nay còn chọn những cuốn sách cung cấp kiến thức để làm tăng vốn hiểu biết về thế giới và xã hội xung quanh. Hàng loạt đầu sách nghiên cứu đã được giới thiệu với độc giả Việt, từ các ấn phẩm về khoa học vũ trụ nổi tiếng của giáo sư người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận đến những cuốn sách về đô thị như “Đô thị vị nhân sinh”, “Đô thị thông minh, tương lai xán lạn”, hay sách về môi trường, lối sống xanh như “Đời không plastic”, “Nhà không rác”...

Song, xuất hiện nhiều hơn cả và thu hút độc giả hơn cả là các tác phẩm về văn hóa, lịch sử, về đất nước, con người của các học giả như Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Hiến Lê, Phan Ngọc... Đặc biệt, những gương mặt nhà nghiên cứu trẻ cũng xuất hiện với những công trình để lại dấu ấn mạnh mẽ với độc giả như nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến, nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức... Độc giả Việt Nam đang có những thay đổi trong mối quan tâm với sách nói chung, từ chỗ chú ý nhiều vào sách hư cấu tới chỗ tiếp cận nhiều hơn với sách phi hư cấu, sách học thuật chuyên ngành.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, các đơn vị liên kết xuất bản không chỉ tái bản các đầu sách nổi tiếng của các tác giả trong nước mà còn nhanh chóng tìm kiếm và giới thiệu nhiều bản thảo của người nước ngoài viết về Việt Nam. Tủ sách Pháp ngữ của Omega Plus Books chẳng hạn, đến nay đã có khoảng 20 đầu sách về nhiều chủ đề như giáo dục thuộc địa, dân tộc học, địa lý, phong tục, nhân vật... của người nước ngoài viết về Việt Nam với góc nhìn mới mẻ, lạ lẫm và hấp dẫn. Các tác phẩm đa dạng về thể loại, từ các ghi chép và tài liệu du ký tản mạn cho đến biên khảo, nghiên cứu như “Đế quốc An Nam và người dân An Nam”, “Xứ Đông Dương”, “Tiểu luận về dân Bắc kỳ”, “Nghệ thuật xứ An Nam”, “Việt Nam qua tuần san Indochine 1941 - 1944”, “Phan Thanh Giản: Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại”.... NXB Phụ nữ có "Tủ sách Phụ nữ tùng thư" ("Tủ sách Giới và phát triển").

Sách chuyên khảo đưa đến nhiều lựa chọn hơn cho độc giả khi cùng một tác phẩm nhưng có thể có nhiều bản dịch khác nhau. Trên một số group đọc sách, nhiều độc giả hào hứng chia sẻ, tranh luận về những điểm hay - dở, đẹp - xấu của từng ấn bản. Điều đó cho thấy sự quan tâm của bạn đọc đối với dòng sách chuyên khảo ngày càng tăng.

Cùng với đó, ban tổ chức các giải thưởng sách trong những năm gần đây cũng bỏ công chọn lựa, vinh danh nhiều ấn phẩm thuộc dòng sách chuyên khảo như “Văn Miếu Việt Nam - Khảo cứu”, “Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX”, “Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người”, “Nghệ thuật Huế”...

Một buổi ra mắt sách chuyên khảo được nhiều độc giả quan tâm.

Cung cấp kiến thức, nâng cao dân trí

Cung cấp thông tin, kiến thức chuyên ngành qua những góc nhìn mới mẻ cùng cách diễn đạt, trình bày dễ hiểu hơn, đó là điểm mạnh tạo nên sức hút của dòng sách chuyên khảo hiện thời. Ở nhiều nước phương Tây, dòng sách chuyên khảo, sách khoa học đã rất phát triển với lối viết đa dạng, hóm hỉnh, hấp dẫn để tiếp cận đông đảo độc giả. Cùng với các đầu sách dịch được giới thiệu cho độc giả Việt, không ít tác giả trong nước đã mang đến những đầu sách đủ sức tạo nên “cơn sốt” mà “Ngàn năm áo mũ” là một ví dụ.

"Ngàn năm áo mũ" là một nghiên cứu công phu và đầy tham vọng của tác giả Trần Quang Đức với mong muốn dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm (1009 - 1945). Tác giả cho rằng, để hiểu được lịch sử tư tưởng, văn hóa và mỹ thuật Việt Nam thì nghiên cứu trang phục cổ là điều vô cùng quan trọng. Với vốn liếng ngoại ngữ và cổ văn rất cao, Trần Quang Đức đã dành nhiều năm tâm huyết tìm tòi để đúc kết nên tác phẩm được đánh giá là đã “bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung”. Công trình của Trần Quang Đức đã trở thành tài liệu quý giá, có giá trị lâu dài.

Cũng dày công sưu tầm và nghiên cứu là Trần Hậu Yên Thế với tác phẩm “Song xưa phố cũ”. Trần Hậu Yên Thế chỉ viết về sắt mỹ nghệ trang trí kiến trúc nhưng độc giả như được thấy cả một bức tranh Hà Nội xưa hiện ra qua đường nét kiến trúc của những chấn song hoa sắt trên tường rào, ban công, cửa sổ, ô gió, cửa ra vào... Trong khi Trần Hậu Yên Thế mải mê với hoa sắt thì Nguyễn Mạnh Tiến lại chọn “sống đời của chợ” với những trang viết sống động sau kết quả khảo sát ở các làng Bắc Bộ và nới rộng phạm vi nghiên cứu ra các làng vùng Thanh - Nghệ. Hay những cuốn sách như “Việt Nam thế kỷ X - Những mảnh vỡ lịch sử”, "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những Chứng Tích Lịch Sử”... đã đưa ra gợi mở về hướng nghiên cứu tiếp theo.

Tiếc rằng, nhưng góc tiếp cận mới mẻ và nghiên cứu chuyên sâu đầy công phu như vậy xuất hiện chưa nhiều. Có lẽ bởi thời gian và công sức dành cho một công trình nghiên cứu như vậy quá lớn. Chia sẻ về cuốn sách “Quán Thánh” mà mình “thai nghén” trong suốt 22 năm, tác giả Nguyễn Đức Dũng cho rằng, với những công trình nghiên cứu công phu, nếu các tác giả làm việc mười phần vất vả thì độc giả có khi chỉ đọc được, hiểu được ba, bốn phần. Đó là một trong những điều khó khăn trong việc viết, đọc và tiếp cận bạn đọc của dòng sách chuyên khảo, nhất là sách về lịch sử.

Nếu độc giả thiếu tri thức nền tảng, các tác giả lại quá say sưa với thông tin chuyên ngành thì khả năng “hội ngộ” giữa người viết và người đọc là rất thấp, điều đó khiến độc giả cảm thấy sách khô khan, thiếu hấp dẫn, còn tác giả lại thiếu đi sự ủng hộ để có động lực hướng đến những công trình nghiên cứu tiếp theo. Tuy nhiên, dù dòng sách chuyên khảo “kén” độc giả, không phải ai cũng quan tâm và có thể kiên trì đọc những cuốn sách nặng thông tin nhưng một số đơn vị liên kết vẫn không bỏ cuộc bởi cho rằng, dòng sách chuyên khảo có giá trị lâu bền trong việc cung cấp kiến thức và góp phần nâng cao dân trí.

Thực tế hiện nay cho thấy, sự quan tâm đầu tư cho dòng sách chuyên khảo từ phía các đơn vị xuất bản vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đại diện của Công ty cổ phần Xuất bản và Giáo dục Quảng Văn, với con số gần 400 trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước và số lượng sinh viên, học viên khoảng 1,5 triệu người, rõ ràng chúng ta đang sở hữu một thị trường sách học thuật đầy tiềm năng và rõ dư địa tăng trưởng. Đó là chưa kể ưu thế từ số lượng người làm công tác chuyên môn trong các cơ sở nghiên cứu trực thuộc đại học, viện hàn lâm và viện nghiên cứu của các bộ, ngành.

Hiện nay, các nhà xuất bản thuộc trường đại học chưa phát huy hết năng lực, lợi thế của mình cho việc phát triển dòng sách chuyên khảo dành cho độc giả đại chúng. Việc xuất bản dòng sách học thuật dường như chỉ gói gọn trong in ấn, phát hành giáo trình nội bộ, tài liệu tham khảo chung chung, thiếu những công trình được đầu tư bài bản, chứa đựng hàm lượng tri thức cao. Nói về hạn chế thì bên cạnh việc chưa khuyến khích được những công trình nghiên cứu có tính đột phá, các khâu thiết kế mỹ thuật, quảng bá, tuyên truyền cũng chưa được chú trọng đúng mức và điều đó khiến nhiều tác phẩm hay ít được độc giả biết tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến độc giả đại chúng với nhiều cách tiếp cận mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.