(HNM) - Hungary có nguy cơ nối gót Hy Lạp trở thành nạn nhân kế tiếp của cơn bạo bệnh nợ công. Thông tin này như gáo nước lạnh dội thẳng vào những nỗ lực kéo chứng khoán châu Âu khỏi đà tụt dốc trong nhiều ngày qua.
Dấu hiệu cơn "dịch nợ" lây lan rõ ràng từ Nam Âu sang Trung Âu đã khiến thị trường chứng khoán của lục địa già đổ nhào cho dù đã khởi động phiên giao dịch cuối tuần (4-6) đầy hứng khởi.
Chốt phiên cuối tuần trong lo lắng và hoang mang về tương lai chưa thể dự báo của nền kinh tế chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu khu vực Eurozone DJ Stoxx 600 bị thổi bay 1,8% giá trị sau khi đã tăng 0,5% ở đầu phiên, chỉ còn 244,53 điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh cũng bốc hơi 85,18 điểm, tương đương 1,6%. Chỉ số DAX của Đức cũng chịu chung số phận khi mất 115,7 điểm, khoảng 1,9% và bảng điện tử CAC 40 của Pháp trượt dốc không phanh 2,9% do bị lấy đi 101,7 điểm. Trong bối cảnh chưa có lối thoát của thị trường tài chính, cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục "chịu trận", các lệnh bán lô lớn tập trung vào lĩnh vực này là nguyên cớ chủ yếu nhuộm đỏ các bảng giao dịch khắp châu Âu.
Sau một thời gian dài chật vật đối phó với hệ lụy từ cuộc khủng hoảng thâm hụt ngân sách bắt nguồn từ xứ sở Thần thoại, sự kiện nhà chức trách Hungary chính thức thừa nhận tình hình tài chính công của nước này tồi tệ hơn nhiều so với dự báo trước đó và cơ hội để Budapest tránh khỏi bi kịch tồi tệ như Hy Lạp là rất mong manh. Điều này đã gây chấn động các thị trường cổ phiếu của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Sự trầm lắng xâm chiếm các sàn giao dịch ngày cuối tuần đã xóa bỏ tất cả niềm hào hứng vừa được nhen nhóm nơi các nhà đầu tư. Thay vào đó, tâm lý hoang mang tràn ngập các trung tâm chứng khoán sau khi chính phủ của tân Thủ tướng Hungary Viktor Orban cay đắng thông báo đất nước thực sự đang chấp chới ở bờ vực vỡ nợ; và sự phồn thịnh đáng mơ ước ngày nào chỉ là các số liệu kinh tế giả mạo được lập từ chính phủ tiền nhiệm.
Những cảnh báo không hề cường điệu về mức thâm hụt ngân sách có thể lên tới 7% đến 7,5% GDP, bỏ xa mục tiêu 3,8% GDP mà Hungary cam kết khi nhận hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) nhằm đẩy lui suy thoái, được xem là một cú sốc quá mạnh đối với đà hồi phục yếu ớt của thị trường chứng khoán. Với những gì đang diễn ra tại Hungary, nhiều người quan ngại nỗi lo vỡ nợ mà các lãnh đạo Lục địa già phải "lao tâm khổ tứ" để chế ngự thông qua những biện pháp kinh tế chưa từng có tiền lệ sẽ tiếp tục chi phối quyết định của giới đầu tư khi "lên sàn". Trong bối cảnh đó, khả năng vực dậy nền kinh tế đang đứng trước một nhiệm vụ bất khả thi, đặc biệt khi "con bệnh" Hungary dường như có dấu hiệu nhờn thuốc. Điều này được khẳng định từ tuyên bố xanh rờn của chính phủ đương nhiệm rằng, các biện pháp thắt lưng buộc bụng được xem như phương thuốc chữa khủng hoảng ở nhiều nước châu Âu thậm chí còn thất bại thê thảm đối với khối nợ ngày càng phình to tại Hungary. Thực tế đó cũng cho thấy, con thuyền chứng khoán châu lục sẽ còn tiếp tục đối mặt với những con sóng lớn từ thực trạng kinh tế không sáng sủa và sự đổ vỡ niềm tin của các nhà đầu tư trong những ngày tới.
Ở bên kia Đại Tây Dương, phố Wall cũng chứng kiến mức giảm điểm sâu nhất trong ngày vào phiên cuối tuần. Làn sóng ào ạt bán tháo cổ phiếu cuốn trôi hơn 3% giá trị của chứng khoán Mỹ. Với tất cả 30 mã cổ phiếu của các công ty công nghiệp hàng đầu đóng cửa trong sắc đỏ, chỉ số Dow Jones Industrial bốc hơi 324,06 điểm, tương ứng 3,2%, xuống 9.931,22 điểm. Báo cáo việc làm yếu kém hơn kỳ vọng và tin tức về nền kinh tế châu Âu một lần nữa lâm nguy đã làm loang mối lo lắng về khả năng kinh tế toàn cầu có thể đi giật lùi ngay khi vừa phục hồi sau suy thoái. Nó đã đẩy Dow Jones trượt khỏi mốc 10.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 2. Tin buồn này càng gây thất vọng khi chỉ số quan trọng của trung tâm tài chính thế giới này đã kết thúc tháng 5 với việc mất đi hơn 870 điểm, ấn định đà giảm mạnh nhất trong vòng 70 năm qua.
Thêm một tuần nữa, thị trường chứng khoán từ châu Âu đến Mỹ trải qua những giờ phút u ám. Nỗi lo sợ mang tên Hungary đang tiếp tục phủ bóng lên thị trường tài chính. Do đó, niềm tin vào khả năng thay da đổi thịt của thị trường cổ phiếu trong những ngày tới sẽ là sự lạc quan thái quá. Trong khi giới chức châu Âu cuống cuồng cùng nhau bàn thảo về những giải pháp thoát khỏi nợ nần, bao gồm cả gói giải cứu khổng lồ lên tới gần 1.000 tỷ USD, bóng ma thâm hụt ngân sách vẫn cứ đủng đỉnh gõ cửa từng quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa rằng, tiền dường như chưa phải là tất cả, mà quan trọng hơn là một cơ chế tài chính thích hợp vẫn bặt vô âm tín.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.