Theo dõi Báo Hànộimới trên

HTX kiểu mới hiệu quả ở Thụy Hương

Bạch Thanh| 09/09/2011 06:56

(HNM) - Trong Chương trình xây dựng NTM ở Thụy Hương (Chương Mỹ), việc chuyển đổi HTX từ kiểu cũ sang kiểu mới bằng các mô hình sản xuất phù hợp với nông dân có sự kết nối với doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả.


Nguyên tắc tự nguyện là số 1


Thu hoạch hoa tại HTX Kinh doanh hoa - cây cảnh Thụy Hương.  Ảnh: Sơn Tùng

Việc sản xuất theo liên kết "4 nhà" trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) tại Thụy Hương vào thời gian tháng 4, tháng 5 vừa qua gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ "đứt gánh giữa đường" khi mà DN, HTX và người dân chưa tìm được tiếng nói chung trong các điều khoản của hợp đồng đã ký. Trước thực trạng đó, UBND huyện Chương Mỹ phối hợp với các đơn vị liên quan như Liên minh HTX, Sở NN&PTNT Hà Nội… tiến hành thành lập HTX Sản xuất và kinh doanh RAT Thụy Hương với hình thức liên kết hoàn toàn khác hoạt động của HTX Nông nghiệp Thụy Hương trước đây. Theo ông Hoàng Văn Thám, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, từ những dự án sản xuất được phê duyệt, huyện chỉ đạo địa phương thành lập các HTX nông nghiệp dựa trên cơ sở tự nguyện của người dân. Các HTX đứng ra thuê lại đất nông nghiệp của bà con và khuyến khích dồn điền, đổi thửa để tạo thành các khu sản xuất tập trung, nếu hộ dân nào tâm huyết muốn tham gia HTX thì có thể góp đất làm vốn, còn nếu không sẽ cho HTX thuê lại. Đến nay, cùng với việc củng cố hoạt động của HTX nông nghiệp, xã đã thành lập thêm 3 HTX gồm: HTX Kinh doanh hoa - cây cảnh, HTX Trồng cây ăn quả và HTX Sản xuất và kinh doanh RAT.

Đối với HTX Sản xuất và kinh doanh RAT, DN tham gia góp vốn cùng HTX, xã viên tự nguyện góp vốn và được tham gia đào tạo nghề về sản xuất RAT… Do đó, từ chỗ trước đây có hàng trăm hộ tham gia sản xuất RAT thì nay rút xuống chỉ còn hơn 60 hộ. Mỗi xã viên đóng góp vốn ban đầu là 1.000.000 đồng/người, Còn DN góp vốn tối thiểu là mức gần 100 triệu đồng. Thay vì DN mua vật tư, phát cho nông dân thì nay HTX đảm nhiệm toàn bộ khâu dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, phun thuốc BVTV… để người dân yên tâm sản xuất, theo đơn đặt hàng của DN. Về phía DN thay vì thu gom RAT theo khoán sản phẩm như trước đây, nay thu mua thông qua HTX và có sự điều tiết phần trăm chênh lệch công khai.

Chia lãi 40% vốn đóng góp

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ nhiệm HTX Hoa - cây cảnh Thụy Hương khẳng định, tiền nông dân tự bỏ ra góp vốn nên họ luôn nêu cao trách nhiệm và ý thức để HTX tồn tại và phát triển. HTX thời đổi mới khác với mô hình HTX thời bao cấp trước kia. Chưa bao giờ, Chủ nhiệm HTX Nguyễn Hữu Thắng dám nghĩ tới chuyện các xã viên biểu quyết 100% cho việc bỏ tiền mua vé máy bay, cấp chi phí ăn ở để cử người vào tận Đà Lạt học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa hay cử cán bộ "khăn gói quả mướp" hộ tống 2 vạn gốc hoa lan lên tận Sa Pa để chăm sóc. Do đó, ngay vụ hoa đầu tiên đã thu được hiệu quả ngoài sức tưởng tượng, với 15 nghìn cây lan và 40 nghìn cây hoa ly cho thu hoạch gần hai tỷ đồng, mỗi xã viên được chia lãi 40% tương ứng vốn đóng góp, chưa kể một phần lãi trích lại để nâng vốn hoạt động của HTX.

Có vốn, HTX Trồng hoa - cây cảnh đã xây dựng khu nhà kính (khoảng 7.000m2) có hệ thống quạt thông gió, phun tưới nước tự động để trồng hoa lan hồ điệp cho giá trị kinh tế cao. Kỹ sư trẻ Nguyễn Cảnh Hưng đang chăm sóc hoa cho biết, không chỉ là lao động của HTX, được HTX trả lương theo hợp đồng lao động mà anh còn góp vốn vào HTX, để nâng cao trách nhiệm với công việc. Với hơn 30 xã viên, HTX đã thu hút được 3 kỹ sư trẻ, tuổi đời từ 26 đến 30, được đào tạo chính quy ở các trường đại học tham gia, đây là lực lượng lao động nòng cốt có chất lượng cao của HTX trong việc thâm canh, tăng vụ sản xuất các loại hoa cao cấp.

Ông Phạm Văn An, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội khẳng định, việc chuyển đổi hoạt động của HTX kiểu mới tại xã Thụy Hương cho thấy, mô hình này thực sự trở thành cứu tinh cho những khu vực nông thôn có tiềm năng nhưng vẫn còn loay hoay để tiếp cận với sản xuất hiện đại. Mô hình HTX kiểu mới thành công là nhờ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và không hành chính hóa. Thành viên HTX không chỉ là nông dân mà còn thu hút trí thức trẻ tham gia làm dịch vụ, tiêu thụ nông sản, chuyển giao tiến bộ KHKT… Từ việc làm ăn có lãi và bền vững, các HTX kiểu mới góp phần đẩy nhanh các hạng mục khác về an sinh xã hội, dịch vụ, điều kiện sống, trở thành thành tố quan trọng trong việc xây dựng thành công NTM trên địa bàn.

Ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ chia sẻ: "Địa bàn huyện rộng 232,4km2, dân số gần 30 vạn người. Dù địa phương có nghề truyền thống mây tre đan; nhiều khu, cụm công nghiệp; kinh tế dần chuyển dịch theo hướng thương mại dịch vụ nhưng đời sống của người dân làm nông nghiệp vẫn còn khó khăn. Từ thành công trong các mô hình HTX nông nghiệp ở Thụy Hương, trong thời gian tới, tại các xã xây dựng NTM sẽ hình thành thêm nhiều HTX kiểu mới phù hợp với điều kiện canh tác, tập quán sản xuất của cơ sở như HTX thủy sản, HTX cây ăn quả, HTX giống vật nuôi"…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HTX kiểu mới hiệu quả ở Thụy Hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.