(HNM) - Thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời linh hoạt phương án kinh doanh, nhiều hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội đang ngày một phát triển, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tập thể tại các địa phương chuyển biến tích cực. Những mô hình tiên tiến, điển hình về hợp tác xã như vậy đang cần được nhân rộng.
Những điển hình
Chọn hướng đi mới, tận dụng thế mạnh từ phát triển chăn nuôi, đến nay, Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) là một trong những hợp tác xã điển hình tiên tiến của thành phố với mô hình nuôi giun quế.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư Nguyễn Xuân Hùng cho hay: Phù Đổng là xã chăn nuôi bò sữa quy mô lớn (2.000 con bò). Trước đây, vấn đề chất thải từ đàn bò này luôn là nỗi lo của người dân và chính quyền địa phương. Ngoài một số hộ dân sử dụng hầm biogas, hầu hết lượng phân thải ra ao, hồ, mương, rãnh, ven đê… gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan nghiêm trọng.
Xuất phát từ thực trạng đó, qua nghiên cứu, tìm hiểu, ông Hùng cùng một số người dân liên kết, thành lập hợp tác xã xây dựng mô hình nuôi giun quế theo cách tận dụng nguồn chất thải từ đàn bò sữa.
“Thời gian đầu, khi mô hình mới đi vào hoạt động, để có nguồn thức ăn cho giun quế, mỗi ngày, ông Hùng thu gom khoảng 7-8 tấn chất thải. Sau đó, khi mô hình hoạt động ổn định, mỗi ngày lượng chất thải cần dùng lên tới 12 tấn. Đến nay, lượng chất thải từ đàn bò sữa không đủ phục vụ nuôi giun quế. Mô hình hợp tác xã cho hiệu quả cao với giá bán 20.000 đồng/kg sinh khối (giun quế giống), 100.000 đồng/kg giun thành phẩm và 2.500 đồng/kg phân sạch. Trang trại cung cấp giống và phân bón cho nhiều trang trại lớn ở miền Bắc và địa bàn Hà Nội với thu nhập cao” - ông Hùng chia sẻ.
Tương tự, với việc đổi mới phương thức kinh doanh, năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng (huyện Đan Phượng) đứng ra thuê hơn 2.000m2 đất của nông dân để xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới tự động, tiết kiệm nước trên diện tích 1.200m2.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng Tạ Thị Hải cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, nếu không chọn lựa những sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến thì khó bắt nhịp với thị trường. Việc đầu tư công nghệ giúp năng suất và chất lượng rau, củ bảo đảm chất lượng. Đáng chú ý, được sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã thành phố, từ năm 2018, sản phẩm rau, củ, quả an toàn của hợp tác xã đã được chứng nhận VietGAP, nhờ đó việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Nguyễn Trung Thành, toàn thành phố hiện có 148 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 44 mô hình do các hợp tác xã tham gia đầu tư, quản lý. Trong số hơn 1.605 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động ở các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại…, lĩnh vực nào cũng có những hợp tác xã hoạt động nổi bật.
Chẳng hạn, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có Hợp tác xã Mây giang đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ), Hợp tác xã Công nghiệp Thăng Long (quận Hoàng Mai); trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ có Hợp tác xã Thương mại Láng Hạ - Đống Đa, Hợp tác xã Thống Nhất (Nam Từ Liêm)… Điển hình, trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều hợp tác xã xây dựng thành công các chuỗi sản xuất, cho giá trị kinh tế vài tỷ đồng/ha/năm như: Hợp tác xã Đan Hoài (Đan Phượng), Hợp tác xã Dịch vụ sinh thái Ba Vì…
Nhân rộng những điển hình
Về vai trò trong phát triển và nhân rộng các hợp tác xã điển hình tiên tiến hiện nay, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Nguyễn Trung Thành đánh giá: Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc liên kết tạo ra mô hình hợp tác xã sẽ tạo ra sức mạnh để tổ chức nhiều hình thức dịch vụ đầu vào ở mức thấp nhất (đối với sản xuất); với đầu ra thì sự liên kết đó sẽ dễ dàng hình thành vùng nguyên liệu tập trung, có giá phù hợp, hiệu quả tối đa cho người sản xuất…
Nhiều năm qua, Liên minh Hợp tác xã thành phố đều có kế hoạch hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến và thành lập mới các hợp tác xã. Theo đó, hợp tác xã được lựa chọn là hợp tác xã điển hình tiên tiến phải đáp ứng một số yêu cầu như: Tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, không ngừng phát triển, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thực hiện tốt công tác kế toán, thống kê theo quy định; doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; có quy chế làm việc; đặc biệt, hợp tác xã phải tuân thủ hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012…
Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng Tạ Thị Hải, để nhân rộng mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến, hợp tác xã cần hỗ trợ về nguồn vốn, quỹ đất, xúc tiến thương mại... Điều quan trọng nhất là các hợp tác xã khi thành lập mới, hay đổi mới hoạt động phải có sự chuyển biến trong nhận thức, nghĩa là tự thân của người sản xuất muốn hình thành hợp tác xã đó. Tiếp đó, phải xây dựng được phương án kinh doanh dựa trên phân tích nhu cầu thị trường…
Để triển khai công tác xây dựng hợp tác xã điển hình tiên tiến và nhân rộng mô hình này, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục tổ chức nhiều cuộc làm việc với các địa phương và từng hợp tác xã, qua đó, tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã hoạt động tuân thủ nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hợp tác xã; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, có thương hiệu, tạo uy tín trên thị trường; vận dụng các nguồn lực kinh tế hỗ trợ vốn cho các hợp tác xã, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các thành viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.