Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác thương mại Nga - Trung Quốc: Trụ cột kinh tế hai nước

Hoàng Linh| 31/07/2022 07:13

(HNM) - Từ khi xung đột Ukraine nổ ra, phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm cô lập Nga với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, việc này thúc đẩy Nga phát triển theo hướng mới khi hợp tác thương mại giữa xứ Bạch dương và láng giềng Trung Quốc lại đang phát triển vượt bậc, trở thành trụ cột kinh tế quan trọng đối với cả hai nước.

Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu nguyên liệu sang Trung Quốc. Ảnh: The Moscow Times

Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cho biết, kim ngạch thương mại giữa nước này và Trung Quốc những tháng đầu năm 2022 đã vượt mục tiêu đề ra; đồng thời dự báo có thể đạt mức kỷ lục lịch sử mới là 170 tỷ USD ngay trong năm 2022. Chia sẻ này của Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga tương đồng với quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin. Tháng 6 vừa qua, ông chủ Điện Kremlin từng tuyên bố, thương mại Nga - Trung Quốc có thể đạt kỷ lục vào năm 2022, đồng thời tin tưởng còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa.

Trước đây, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc từng chứng kiến tăng trưởng đáng kinh ngạc vào năm 2021, khi vượt mốc 140 tỷ USD và gần đây vẫn tiếp tục tăng nhanh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 80,67 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 2,1% so với nửa đầu năm 2021, lên tới 29,55 tỷ USD; còn xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc tăng 48,2%, lên tới 51,12 tỷ USD.

Giới quan sát cho rằng, hợp tác “thăng hoa” giữa hai nước trước hết là kết quả gián tiếp từ hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm cô lập Nga với kinh tế thế giới mà phương Tây áp đặt từ khi xung đột Ukraine bùng phát. Trao đổi thương mại cũng được “chắp cánh” bởi mối quan hệ chính trị cấp cao chưa từng có giữa hai nước, song song quan hệ đối tác kinh tế đã đi vào ổn định. Trung Quốc đạt được lợi ích “có đi có lại” đối với thị trường tự do của Nga, trong khi cạnh tranh chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington cũng đóng một vai trò nhất định.

Bản thân mỗi nước cũng có những lý do khách quan để gia tăng hợp tác. Nga đang cần thay thế nhiều mặt hàng của phương Tây ở thị trường trong nước, nhất là thiết bị điện tử, máy móc…, trong khi có được thị trường xuất khẩu rộng lớn như Trung Quốc là lối thoát quan trọng cho hàng hóa Nga trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, Nga cũng cần một cơ chế hiệu quả để thực hiện các giao dịch tài chính với các đối tác nước ngoài, và Bắc Kinh có thể giúp Mátxcơva đạt được điều này. Trong khi đó, Trung Quốc có nhu cầu đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thô thông qua nhập khẩu lượng lớn của Nga. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng từng bước củng cố vai trò là một trung tâm tài chính quốc tế lớn, và việc nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền chủ chốt trong các giao dịch với Nga sẽ là bước tiến lớn.

Quan hệ thương mại song phương phát triển đã tác động tích cực tới hai nền kinh tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy xu hướng hợp tác, hai nước sẽ cần xử lý nhiều rào cản, điển hình là những làn sóng Covid-19 dồn dập khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Theo Bộ trưởng Maxim Reshetnikov, hai nước sẽ phải tiếp tục bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa không bị gián đoạn và cùng chung tay để hoạt động vận tải hàng hóa qua các trạm kiểm soát biên giới không bị cản trở. Hai bên cũng cần xem xét xóa bỏ các rào cản trong thương mại, kinh tế và đầu tư; tăng cường triển khai các dự án đầu tư triển vọng trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, khai thác công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp…

Những thành tựu gần đây trong hợp tác thương mại Nga - Trung Quốc là kết quả tất yếu của việc hai nước cần tới nhau trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Trong tình hình phức tạp được dự báo sẽ còn tiếp diễn, mối liên kết ngày càng bền vững này sẽ là yếu tố quan trọng đối với nỗ lực duy trì sự ổn định và phát triển nền kinh tế của mỗi nước, đồng thời đóng góp đáng kể vào thịnh vượng chung của khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác thương mại Nga - Trung Quốc: Trụ cột kinh tế hai nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.