Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vào hôm nay (7-12, giờ địa phương) tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil, để kết thúc tiến trình đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nam Mỹ.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đang phải đối mặt với những trở ngại từ sự chỉ trích công khai của Pháp và Argentina.
Các quan chức EU đã chỉ ra rằng, Hội nghị Thượng đỉnh ở Rio de Janeiro rất quan trọng trong việc kết thúc một thỏa thuận được đàm phán hơn 20 năm, nhằm tạo ra khu vực thương mại tự do lớn của thế giới với 780 triệu dân. Hiện tại, Brazil đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của MERCOSUR (gồm Brazil, Argentina, Paraguay, Uruguay).
Trong chuyến thăm Đức ngày 4-12 vừa qua, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ kỳ vọng, các cuộc đàm phán kéo dài hàng thập kỷ có thể sớm mang lại một thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và khối 4 quốc gia Nam Mỹ. Nhưng cơ hội đi đến thỏa thuận trên đang gặp trở ngại sau những tuyên bố mới đây của Tổng thống sắp mãn nhiệm của Argentina Alberto Fernández và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron.
Ông Alberto Fernández đã thông báo cho Brazil rằng, không thể đưa ra cam kết mới trong các cuộc đàm phán và sẽ giao quyền quyết định cho Tổng thống đắc cử Javier Milei, người sẽ nhậm chức vào ngày 10-12 tới. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Javier Milei dọa rời MERCOSUR và mô tả đây là “liên minh có chất lượng kém, bóp méo thương mại và gây tổn hại cho các thành viên”. Ngày 4-12, Ngoại trưởng Argentina Santiago Cafiero cũng tuyên bố, nước này sẽ không tham gia ký kết FTA giữa MERCOSUR và EU vì cho rằng thỏa thuận này sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp và xuất khẩu nông sản của Argentina.
Trong khi đó, Tổng thống Paraguay Santiago Peña khẳng định, quốc gia Nam Mỹ này sẽ không thúc đẩy FTA giữa MERCOSUR - EU nếu thỏa thuận này không được ký kết vào cuối năm nay. Phát biểu trước báo giới, ông Santiago Peña cho biết, với vai trò là Chủ tịch luân phiên của MERCOSUR kể từ ngày 7-12, Paraguay sẽ tập trung vào đàm phán FTA giữa MERCOSUR với các đối tác khác như Singapore hay Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, những nhượng bộ về môi trường mà EU đạt được trong các cuộc đàm phán với MERCOSUR không đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất tại Pháp. “Tôi không thể yêu cầu nông dân, các nhà sản xuất công nghiệp của chúng tôi ở Pháp và mọi nơi khác ở châu Âu nỗ lực khử các bon, đồng thời đột ngột xóa bỏ thuế quan để đưa vào những hàng hóa không tuân theo các quy tắc này...”, ông Emmanuel Macron nói.
Cuộc đàm phán MERCOSUR - EU về một hiệp định thương mại tự do khởi động từ năm 1999 sau Hội nghị Thượng đỉnh Rio, hội nghị đầu tiên giữa EU với châu Mỹ Latinh và Caribe. Nỗ lực ký kết đầu tiên thất bại vào tháng 10-2004. Những năm sau, chính trường quốc tế có nhiều thay đổi. Sự chuyển hướng sang chủ nghĩa dân túy và bảo hộ dẫn đến việc năm 2019, EU và MERCOSUR mới đạt được một thỏa thuận khung về FTA.
Chương trình nghị sự xanh mới của EU đã tạo thêm rào cản cho thỏa thuận này. Bất chấp bối cảnh đó, các cuộc đàm phán giữa MERCOSUR và EU vẫn tiếp tục. Việc mở cửa đến châu Âu mang tới nhiều con đường phát triển hơn cho khối thị trường chung Nam Mỹ. Tương tự, một FTA với MERCOSUR trở nên quan trọng đối với EU, vốn đang dựa vào khu vực giàu tài nguyên của Nam Mỹ để cung cấp nguyên liệu cho các tua bin gió và xe điện mà Liên minh châu Âu cần để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô. Nếu hoàn tất, đây sẽ là thỏa thuận lớn nhất của EU cho đến nay, loại bỏ 4 tỷ euro (4,35 tỷ USD) thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của khối.
Phó Tổng Giám đốc của cơ quan công nghiệp BusinessEurope Luisa Santos cho biết, FTA giữa Liên minh châu Âu và Nam Mỹ rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của EU: “MERCOSUR thậm chí còn quan trọng hơn trong thời điểm nền kinh tế của chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn và các công ty đang phải vật lộn để duy trì tính cạnh tranh”, ông Luisa Santos nhận định.
Dẫu vậy, nhiều nhà ngoại giao Liên minh châu Âu đánh giá, cơ hội đạt được thỏa thuận trong năm nay đang giảm dần và các cuộc đàm phán có thể sụp đổ hoàn toàn vào mùa hè năm 2024. Vào thời điểm đó, cánh cửa cơ hội sẽ đóng lại khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đến gần. Trong khi nhiệm kỳ chủ tịch EU và MERCOSUR của Tây Ban Nha và Brazil, những nước ủng hộ thỏa thuận cũng sẽ kết thúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.