(HNM) - Sau khi Thông tư 04 về quản lý thuê bao di động có hiệu lực (ngày 1-6-2012), giữa 3 nhà mạng lớn và các doanh nghiệp (DN) bưu chính đã có thỏa thuận cùng hợp tác sử dụng các điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX), bưu cục để triển khai đăng ký thông tin thuê bao (TTTB).
Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp để triển khai đăng ký thuê bao di động tại các điểm văn hóa xã hiện nay rất chậm. Ảnh: Trung Kiên |
Trở lại với Thông tư 04 về quản lý thuê bao di động trả trước do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) ban hành ngày 13-4-2012 có hiệu lực từ ngày 1-6-2012, trong đó quy định các nhà cung cấp dịch vụ phải triển khai ít nhất một điểm đăng ký TTTB tại mỗi phường, xã và tại mỗi quận, huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh. Các DN có thể tự chọn hình thức để thực hiện, như triển khai điểm đăng ký TTTB; hợp tác với DN cung cấp dịch vụ di động khác để triển khai điểm đăng ký; ký hợp đồng ủy quyền cho các DN cung cấp dịch vụ di động khác để triển khai điểm đăng ký tại những điểm mà các DN đó tự triển khai. Ngoài ra, các DN còn có thể ký hợp đồng ủy quyền cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnampost), Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettelpost), Trung tâm Bưu chính Sài Gòn… triển khai điểm đăng ký TTTB tại các bưu cục, điểm BĐVHX. Ngay sau khi Thông tư 04 có hiệu lực, dưới sự chủ trì của các ngành chức năng, 3 nhà mạng chiếm thị phần khống chế là Viettel, MobiFone, Vinaphone cùng hai DN bưu chính là Vietnampost và Viettelpost đã ký thỏa thuận cùng hợp tác sử dụng các điểm BĐVHX, bưu cục để đăng ký TTTB trả trước. Khi đó, cả hai DN bưu chính đều công bố các điểm do mình quản lý đáp ứng được tiêu chí trở thành nơi tiếp nhận đăng ký TTTB cho khách hàng dùng thuê bao trả trước. Song, tại cuộc họp giao ban về quản lý nhà nước do Bộ TT-TT tổ chức đầu tháng 4-2013, lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết sau hơn 9 tháng thực hiện, việc đăng ký thông tin tại các điểm phục vụ này rất chậm. Đoàn công tác của Bộ vừa kiểm tra tại một số điểm BĐVHX cho thấy, có những điểm được trang bị đầy đủ máy vi tính, đường truyền internet, nhưng không được sử dụng làm nơi đăng ký sim. Thậm chí, ngay tại điểm BĐVHX này, các nhà mạng lại đặt các điểm cung cấp dịch vụ của mình, cho thấy việc hợp tác giữa các DN rất kém. Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu giữa các DN cung cấp dịch vụ di động cần hợp tác chặt chẽ với các DN bưu chính trong việc triển khai đăng ký TTTB. Đại diện các DN bưu chính cũng thừa nhận việc triển khai đăng ký TTTB rất chậm. Theo đại diện của Vietnampost, đến nay mới chỉ triển khai đăng ký TTTB cho nhà mạng tại một số bưu cục, còn chưa triển khai được tại điểm BĐVHX. Đại diện Viettelpost cũng cho biết đã triển khai tại 43 bưu cục của mình. Nhưng, đáng chú ý, trong số các bưu cục được lựa chọn thì lượng thuê bao lại chủ yếu đến đăng ký tại bưu cục kiêm đại lý ủy quyền của nhà mạng (có cung cấp các sản phẩm, dịch vụ viễn thông), các điểm còn lại rất ít người đến đăng ký. Như vậy, rõ ràng, thói quen và tâm lý khách hàng khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ họ sẽ đến các điểm phục vụ có cung cấp các dịch vụ viễn thông và tất nhiên khi mua sim sẽ khai báo thông tin tại đây. Trong khi đó, thực tế cho thấy một số điểm BĐVHX dù có máy vi tính, đường truyền nhưng chỉ lèo tèo bày bán thẻ cào điện thoại, vài bộ kít hòa mạng… rất khó thu hút khách hàng. Còn một lý do nữa không thể không kể đến là trong bối cảnh kinh tế suy giảm, các nhà mạng cũng phải triệt để tiết kiệm chi phí và từ đó cân nhắc chọn hình thức hiệu quả hơn.
Được biết, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp giữa DN viễn thông và Vietnampost nhằm thực hiện tốt hơn việc triển khai đăng ký TTTB tại các điểm BĐVHX; đồng thời yêu cầu các nhà mạng tiếp tục đẩy mạnh triển khai điểm đăng ký TTTB đến các xã, phường để thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý thuê bao di động trả trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.