(HNM) - Trong 5 năm triển khai phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã xây dựng và tổ chức hiệu quả nhiều mô hình hay trong quản lý an toàn thực phẩm. Song, với một lĩnh vực luôn luôn “nóng”, trong thời gian tới, các ngành, các cấp, địa phương cần hợp sức chống thực phẩm bẩn. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền xung quanh vấn đề này.
“Xây” thực phẩm sạch để ”chống” thực phẩm bẩn
- Sau 5 năm thực hiện phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã thu được những kết quả gì, thưa ông?
- Trong giai đoạn 2016-2020, công tác an toàn thực phẩm được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự tham gia, vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, tập trung có trọng tâm, trọng điểm và đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, các khâu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm.
Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố kiểm tra được 520.506 lượt cơ sở, xử phạt 31.065 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 134,8 tỷ đồng, trong đó khởi tố 12 vụ và 14 bị can có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng... Hằng năm, thành phố tổ chức đánh giá và chấm điểm công tác an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đánh giá cho thấy, số quận, huyện, thị xã đạt xuất sắc trong công tác an toàn thực phẩm hằng năm đều tăng: Nếu như năm 2017 mới có 6 đơn vị, thì đến năm 2019 đã tăng lên 11 đơn vị…
- Ngành Y tế Thủ đô - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố đã triển khai phong trào thi đua trong lĩnh vực ngành quản lý như thế nào trong 5 năm qua, thưa ông?
- Ngành Y tế Thủ đô đã xây dựng và triển khai 2 chương trình, hoạt động về an toàn thực phẩm. Thứ nhất, tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm. Thứ hai, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thông qua việc xây dựng các mô hình, như: Quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, hướng dẫn quy trình giám sát an toàn thực phẩm và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học, kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, xây dựng tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát… Những mô hình này đã góp phần đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm dần đi vào quỹ đạo, hướng đến “xây” thực phẩm sạch để “chống” thực phẩm bẩn.
- Để những mô hình hay về an toàn thực phẩm không “sớm nở, tối tàn” cần có thêm những điều kiện gì, thưa ông?
- Ở đây, cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên: Cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, cơ quan quản lý địa phương nắm rõ nhất nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt. Do đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí rút giấy chứng nhận bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn với người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở được cấp giấy chứng nhận, được gắn biển kiểm soát an toàn thực phẩm. Khi phát hiện những cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm cần báo ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời xử lý vi phạm.
Chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về sự cố an toàn thực phẩm
- Dù đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, song trong tháng 8 và tháng 9-2020, đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn pate Minh Chay và hai sự cố mất an toàn thực phẩm tại bữa ăn bán trú của Trường Tiểu học Tiên Dương và Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu (huyện Đông Anh), khiến dư luận lo ngại về công tác quản lý an toàn thực phẩm. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tại Hà Nội, số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm rất lớn và ngày càng tăng. Nếu như năm 2016, toàn thành phố có 59.109 cơ sở, thì đến năm 2020 đã tăng lên 83.712 cơ sở. Với số lượng nhiều như vậy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn hiện hữu, nhưng đội ngũ cán bộ tham mưu làm công tác an toàn thực phẩm ở các tuyến lại chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm (11.499/11.725 người, chiếm 98%) và cán bộ chuyên trách chỉ có 226/11.725 người (chiếm 2%).
Chính vì vậy, trong quá trình quản lý ở lĩnh vực này, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng có liên quan của thành phố đã lập tức vào cuộc, phối hợp xử lý khẩn cấp, hạn chế tối đa tổn thất gây ra cho người tiêu dùng.
- Ngoài khó khăn về nguồn nhân lực, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn gặp những khó khăn, tồn tại gì, thưa ông?
- Ngoài khó khăn về đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các tuyến còn thiếu so với khối lượng và yêu cầu của công việc, công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy Đảng và chính quyền xã, phường, thị trấn còn chưa quyết liệt và thường xuyên. Việc xử lý vi phạm ở một số xã đã được đẩy mạnh, nhưng kết quả còn hạn chế. Cùng với đó, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến, nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao… Do đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, là mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân.
- Vậy, theo ông, để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, cần tập trung đẩy mạnh những vấn đề gì trong thời gian tới?
- Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm phải có sự hợp lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chúng ta phải coi công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Thời gian qua, để bổ sung nguồn nhân lực tham gia công tác quản lý an toàn thực phẩm, thành phố đã thí điểm mở rộng mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã. Sau một năm thí điểm mô hình này đã cho kết quả khả quan. Do đó, thời gian tới, nếu mô hình này tiếp tục được duy trì sẽ góp phần tăng hiệu quả cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ngay tại từng địa phương. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục phát triển hệ thống cảnh báo nhanh trong việc phát hiện, điều tra, giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn.
- Trong giai đoạn 2021-2026, phong trào thi đua an toàn thực phẩm của thành phố sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
- Phong trào thi đua an toàn thực phẩm tiếp tục tập trung vào việc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của các ngành, các cấp. Riêng chủ tịch UBND các cấp trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của địa phương, chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự cố an toàn thực phẩm, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ngoài ra, phong trào thi đua tiếp tục tập trung vào việc thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, cơ sở kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Phong trào thi đua cũng tập trung vào phát triển các vùng sản xuất, kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn; các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.