(HNM) - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiếp tục triển khai các phương án hợp lý hóa luồng tuyến, mở rộng vùng phục vụ. Trước mắt, một số tuyến buýt đã được đề xuất điều chỉnh điểm đầu, cuối để phục vụ người dân huyện Gia Lâm, Thường Tín và kết nối với Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Đông đảo người dân mong được sử dụng xe buýt
Tháng 1-2022, UBND huyện Thường Tín đã đề xuất UBND thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội điều chỉnh các tuyến xe buýt có điểm đầu cuối tại Khu đô thị Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) về xã Duyên Thái (huyện Thường Tín). Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy, huyện có nhiều làng nghề truyền thống nên nhu cầu giao thương lớn. Những năm gần đây, thành phố đã quan tâm tạo điều kiện cải tạo, mở rộng các tuyến đường, mở các tuyến xe buýt về địa phương, tuy nhiên, xã Duyên Thái với hơn 13.000 nhân khẩu, kết nối với quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nhưng hiện vẫn chưa có xe buýt hoạt động. Huyện rất mong được thành phố đầu tư kết nối xe buýt về xã để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
“Từ Tứ Hiệp về Duyên Thái còn cách vài ki lô mét, nên phần lớn người dân vẫn phải sử dụng xe máy để di chuyển. Chúng tôi rất mong thành phố sớm mở tuyến buýt tới trung tâm xã để bà con được sử dụng phương tiện công cộng”, ông Nguyễn Văn Minh (người dân xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) chia sẻ.
Cũng trong tháng 1-2022, UBND huyện Gia Lâm kiến nghị điều chỉnh đầu bến tuyến xe buýt số 34 và 55B về trung tâm hành chính huyện Gia Lâm. Nếu được điều chỉnh, cán bộ, công chức, người lao động và người dân tại trung tâm hành chính huyện Gia Lâm và các Khu đô thị Trâu Quỳ, Vinhomes Ocean Park, Đặng Xá… sẽ được tiếp cận với dịch vụ xe buýt của thành phố.
Một khu vực cũng đang rất mong chờ được hòa chung mạng lưới xe buýt Thủ đô là Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Theo Giám đốc Trung tâm phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc Nguyễn Hữu Hiếu, nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện để đưa sinh viên lên học tập trung từ tháng 9-2022 với quy mô lên tới 15.000 sinh viên theo lộ trình đến năm 2025. Dự kiến, số lượng cán bộ, giảng viên, sinh viên di chuyển từ Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc về các quận trong thời gian tới là rất lớn.
Khảo sát, tổ chức điều chỉnh phù hợp
Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, ngay khi trung tâm hành chính huyện Gia Lâm trên đường Thuận An (thị trấn Trâu Quỳ) khánh thành, Sở Giao thông - Vận tải đã phối hợp với UBND huyện khảo sát điều kiện vận hành và vị trí điểm đầu cuối của tuyến buýt số 34 (Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Gia Lâm) và tuyến buýt số 55B (Trung tâm thương mại Aeon Long Biên - Cầu Giấy). Qua khảo sát, Sở đã đề xuất UBND thành phố cho phép điều chỉnh lộ trình, điểm đầu cuối tuyến buýt số 34 từ Bến xe Gia Lâm về trung tâm hành chính huyện Gia Lâm và giữ nguyên lượt xe, tần suất để bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Với huyện Thường Tín, Sở Giao thông Vận tải nhận thấy việc điều chỉnh lộ trình như đề xuất của huyện giúp người dân xã Duyên Thái sử dụng xe buýt kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội (ước tính nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân tại đây là khoảng 1.000 người). Do đó, Sở đã đề xuất UBND thành phố điều chỉnh lộ trình tuyến buýt số 21B đến xã Duyên Thái, đồng thời điều chỉnh phương án vận hành các tuyến buýt số 21A và 21B phù hợp với nhu cầu vận chuyển, kết nối với đường sắt đô thị.
Cũng qua khảo sát, trong 5 tuyến buýt hoạt động gần Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, có 3 tuyến xuất phát từ trung tâm thành phố có lộ trình tiếp cận trường và 2 tuyến kết nối ngang nhưng các điểm dừng đỗ cách khá xa khuôn viên trường (khoảng 2-3km), chưa thuận tiện cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tiếp cận. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt số 74 (Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh) và 107 (Kim Mã - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam) kết nối với khuôn viên nhà trường.
“Tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, tăng tính kết nối trong mạng lưới vận tải hành khách công cộng tiếp tục được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội nghiên cứu, đề xuất nhằm phục vụ nhân dân, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông”, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết.
UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về phương án hợp lý hóa luồng tuyến nhằm mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tại các huyện Thường Tín và Gia Lâm cũng như kết nối với Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện và theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.