Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp long đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á

Đặng Loan| 22/09/2010 07:13

(HNM) - Sáng 21-9, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đã chính thức làm lễ hợp long, nối đôi bờ quận 1 và quận 2 trong niềm vui của lãnh đạo và người dân TP Hồ Chí Minh. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp từ hai đầu cầu phía quận 1 và quận 2 để người dân được chứng kiến giấc mơ về đường hầm vượt sông hiện đại, lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã thành hiện thực.


Công trình hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn trong ngày lễ hợp long. Ảnh:  Hoàng Hải

Tham dự buổi lễ hợp long đặc biệt còn có sự hiện diện của các cựu chiến binh từng vượt sông Sài Gòn trong cuộc chiến ác liệt trước đây. Thượng tá Trần Ngọc Soạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác rưng rưng xúc động khi nhớ lại một thời vượt sông gian khổ trong kháng chiến. Nay đồng đội ông người còn, người mất nhưng ước mơ về đường hầm vượt sông ngày nào đã được lãnh đạo TP và các thế hệ bước sau thực hiện…

Ông Hoàng Văn An, cư dân quận 2, một trong những người dân đã di dời sớm nhất để thực hiện dự án cũng bày tỏ sự vui mừng khôn xiết. Ông cho biết, khi được thông báo di dời để thực hiện dự án Đại lộ Đông Tây, người dân trong phạm vi giải tỏa rất băn khoăn vì phải rời nơi ở cũ của mình để xây dựng một công trình mà chưa biết hình hài sẽ như thế nào. Kết quả hôm nay với đường hầm hiện đại được nhìn thấy trước mắt khiến ông hết sức vui mừng và hãnh diện vì đã có phần đóng góp cho công trình lịch sử này.

Có mặt tại buổi lễ, Đại biện lâm thời Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh Aiboshi Koichi cũng bày tỏ vui mừng trước sự kiện hợp long hầm Thủ Thiêm, hạng mục quan trọng của dự án Đại lộ Đông Tây (ĐLĐT) tượng trưng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Trưởng ban chỉ đạo dự án ĐLĐT, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài, bày tỏ sự biết ơn những đóng góp của hàng ngàn kỹ sư, công nhân Việt - Nhật đã miệt mài 5 năm qua trên công trường; cảm ơn sự hợp tác và chia sẻ của hàng ngàn hộ dân cư ngụ trên các địa bàn quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân, Bình Chánh đã chấp nhận di dời nhà cửa để dự án được hoàn thành. Lãnh đạo TP cũng bày tỏ lòng biết ơn đến Chính phủ Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các đơn vị đã tài trợ vốn, quan tâm hỗ trợ TP trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là hạng mục quan trọng nhất của dự án xây dựng ĐLĐT, có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á cho đến thời điểm này. Hầm có tổng chiều dài 1.490m, trong đó 4 đốt hầm dìm và đốt hợp long dài 370m. Hầm có 6 làn xe, lưu thông với vận tốc 60km/giờ, được thiết kế với lưu lượng 45.000 xe ô tô và 15.000 xe gắn máy lưu thông/ngày. Quá trình thi công được bắt đầu từ tháng 2-2005 với việc khởi công xây dựng hai hầm dẫn, đổ mẻ bê tông đầu tiên đúc 4 hầm dìm tại bãi đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai). Từ tháng 3 đến tháng 6-2010 các đốt hầm dìm lần lượt vượt 22km đường sông từ bể đúc về vị trí dìm hầm trên sông Sài Gòn.

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP cho biết, để lai dắt các đốt hầm dài 93m, cao 9m, nặng 27 tấn trên đoạn sông dài 22km, TP đã phải huy động đến hơn 25 cơ quan, đơn vị với hơn 1.000 công nhân cán bộ chiến sĩ LLVT cùng tham gia. Bên cạnh đó, việc dìm và lắp đặt 4 đốt hầm ở độ sâu từ 23m đến 27m trên sông Sài Gòn trong điều kiện dòng nước chảy xiết, không gian thao tác chật hẹp, thật sự là những thử thách mà các kỹ sư và công nhân đã vượt qua. Cũng nhờ vậy mà một đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật Việt Nam với kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật thi công hiện đại đã hình thành và có thể đảm đương những công trình lớn sau này.

Sau giai đoạn thi công đốt hợp long, hầm Thủ Thiêm sẽ tiếp tục được triển khai các gói thầu lắp đặt thiết bị bên trong hầm… bảo đảm đến quý II- 2011 thông xe toàn tuyến ĐLĐT, góp phần tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Đại lộ Đông Tây có tổng chiều dài 21,8km đi qua 8 quận, huyện gồm: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và Bình Chánh (trong đó có 1,49km hầm Thủ Thiêm). Dự án xây mới và cải tạo 11 cầu, xây 8 cầu bộ hành, mặt đường rộng cho 8 đến 10 làn xe lưu thông. Công trình được khởi công tháng 2-2005. Ngày 2-9-2009, khánh thành đoạn từ cầu Calmette đến quốc lộ 1A dài 13,3km giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực nội ô. Ngày 15-8-2010, thông xe cầu vượt Cát Lái giải quyết ách tắc cho xa lộ Hà Nội và thông xe 2km liên tỉnh lộ 25B giải quyết ùn tắc giao thông trên đường vào cảng biển Tân Cảng Cát Lái. Dự kiến toàn tuyến ĐLĐT sẽ hoàn thành vào quý II-2011. Tổng vốn đầu tư dự án 660 triệu USD.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hợp long đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.