Sáng 28/7, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn để khắc phục sự cố do bão số 1 gây ra.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sau khi đổ bộ vào đất liền đêm qua, bão số 1 kèm theo gió giật mạnh gây mưa lớn trên diện rộng gây thiệt hại lớn về lúa và hệ thống điện ở một số địa phương. Bão số 1 đã làm 1 người mất tích là anh Phạm Văn Cường, ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa, thuyền viên tàu TH 90298 bị hỏng máy cách đảo hòn Mê; gây ra 7 sự cố chìm tàu, thuyền và mắc cạn, trong đó có 3 tàu của Nam Định, 2 tàu của Thanh Hóa, 1 tàu Nam Định, 2 tàu Thái Bình. Tại tỉnh Ninh Bình bão số 1 làm ngập 36.000 ha lúa mới cấy…
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp sáng 28/7. |
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, khó khăn nhất hiện nay là nhiều địa phương diện tích lúa chưa kịp thu hoạch và mới cấy bị ngập úng do mưa lớn, nhưng lại không có điện để tiêu úng. Tình trạng ngập lụt trên diện rộng đang diễn ra ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình.
Hiện nay, lúa bị ngập úng tại Nam Định chiếm 95% diện tích, với 74.000 ha, tại Ninh Bình là 36.000 ha lúa mới cấy, chưa tổng hợp được diện tích thiệt hại của Thái Bình. Lo ngại hiện nay là lúa mới cấy nhưng điện đang bị mất ở 3 địa phương này. Số lượng cột điện trung thế đổ rất nhiều, một số trạm điện trung thế gặp sự cố về lưới điện. Tập đoàn điện lực đang tập trung khắc phục sự cố nhưng về thời gian khắc phục xong thì chưa có ý kiến phản hồi.
Do vậy, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát yêu cầu: “Khẩn trương khắc phục sự cố về điện để phục vụ tiêu úng cứu lúa”.
Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát yêu cầu, các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa do hoàn lưu bão gây ra, khẩn trương thống kê thiệt hại sau bão để có biện pháp hỗ trợ, đặc biệt phối hợp với ngành điện tổ chức tiêu úng diện tích lúa hoa màu ngập úng. Mưa sau hoàn lưu bão sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các địa phương ở Trung du và miền núi phía Bắc, vì vậy phải đề phòng sạt lở đất, lũ quét, quản lý chặt chẽ các hồ chứa, tiếp tục xả bớt nước đảm bảo an toàn hồ chứa và tính mạng người dân vùng hạ du.
Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh: các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, qua đó đánh giá đúng tình hình để có biện pháp khắc phục. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo soạn văn bản gửi Bộ Công thương để chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam gấp rút phối hợp và hỗ trợ các địa phương khôi phục mạng lưới điện tiêu úng cứu lúa, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đồng thời lưu ý các địa phương mưa sẽ tiếp tục chủ yếu ở Tây Bắc, Việt Bắc, vùng miền núi và vùng đồng bằng sẽ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Nhắc nhở các địa phương giám sát chặt chẽ các hồ chứa, tiếp tục xả nước.
Ngay sau cuộc họp, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát đã liên lạc điện thoại với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm khắc phục sự cố về điện xảy ra tại một số địa phương. Đồng thời yêu cầu Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt cử đoàn đi kiểm tra và thống kê thiệt hại sau bão tại các địa phương.
Ứng phó bão số 1, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã di dời 32.436 người ở khu vực xung yếu, nguy cơ cao khi bão đổ bộ, và thực hiện lệnh cấm biển từ trưa qua (28/7). Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương đã thông báo và hướng dẫn 32.150 phương tiện với 125.817 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 1 để chủ động trú tránh an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.